1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Mù vì thuốc nhỏ mắt

(Dân trí) - Mới đây, Nguyễn Văn Tuấn 18 tuổi ở TP. Vinh, Nghệ An đã phải vào cấp cứu tại Bệnh viện Mắt TƯ do bị suy giảm thị lực nghiêm trọng vì lạm dụng thuốc nhỏ mắt có corticoid.

Sự dễ chịu nguy hiểm

 

Do thường xuyên thấy khó chịu ở mắt, mỏi mắt khi đọc sách nhiều, Tuấn đã tự mua thuốc polydexa về nhỏ suốt 3 năm liền. Cậu bảo, mỗi lần nhỏ mắt xong đều cảm thấy rất dễ chịu. Rồi kể cả mỗi lần đi đường bụi về, cậu vẫn dùng nó để rửa mắt nhưng sau đó, đâu lại vào đấy, mắt ngày càng mờ hơn. Cho đến một ngày, tự nhiên Tuấn thấy mắt trái không nhìn thấy gì. Gia đình vội đưa Tuấn ra Viện Mắt TƯ khám. Kết quả thị lực mắt trái của Tuấn bằng 0, mắt phải chỉ đạt 2/10.

 

Bác sĩ Vũ Tuệ Khanh, Khoa Viêm kết mạc, Bệnh viện Mắt TƯ, cho biết đây là trường hợp tăng nhãn áp do dùng các thuốc có chứa hàm lượng corticoid cao, giống như các thuốc polydexa hay dexacol. Viện Mắt TƯ thường xuyên phải tiếp nhận những ca bị suy giảm thị lực nghiêm trọng do lạm dụng thuốc nhỏ mắt có corticoid như thế này.

 

Cơ chế ảnh hưởng

 

Theo BS Khanh, rất nhiều người ưu dùng các loại thuốc có corticoid. Thành phần của loại thuốc này có chất co mạch, do vậy, khi mắt đang đỏ (vì giãn mạch), chỉ cần nhỏ một vài lần là có tác dụng ngay (do tác dụng của chất làm co mạch trong thuốc), nên người bệnh cảm thấy dễ chịu.

 

Thực chất, thuốc corticoid thường tồn tại dưới dạng những tinh thể rất nhỏ, không tan trong nước. Trong mắt, xung quanh lòng đen có một hệ thống gọi là vùng bè, cấu tạo giống như bọt biển, có chức năng lọc, đào thải, luân chuyển trong mắt.

 

Khi nhỏ thuốc có corticoid, thuốc ngấm vào mắt và đi qua vùng bè đó. Vì là dịch không hòa tan nên đã lắng động và gây bít tắc vùng bè, làm cho nước thải trong mắt không luân chuyển được và gây ra hiện tượng tăng nhãn áp. Điều này càng trở nên nguy hiểm khi dùng thuốc kéo dài.

 

Với những người bị viêm kết mạc dị ứng, có những đợt bệnh tăng lên theo thời tiết hoặc theo dị ứng nguyên, khi đó, phải dùng thuốc ức chế viêm mạnh hơn kết hợp với thuốc chống dị ứng.

 

“Nhưng nhiều người không biết căn nguyên bệnh mắt là do dị ứng, chỉ dùng thuốc ức chế viêm, dùng trong thời gian dài gây nhiều tác dụng phụ. Có những thanh niên còn rất trẻ, chỉ 17, 18 tuổi đã bị mù do biến chứng thiên đầu thống (glocom), rất đau lòng”, BS Khanh tâm sự.

 

Trên thực tế, có những người bị tái phát nhiều lần bệnh viêm kết mạc nên sử dụng thuốc có khi hàng năm, thậm chí 2-3 năm. Với những trường hợp đặc biệt, có khi chỉ dùng thuốc 1 - 2 tháng cũng bị tăng nhãn áp.

 

Bán tràn lan

 

Theo các bác sĩ, ngày càng nhiều bệnh nhân bị ảnh hưởng nặng nề của corticoid trong thuốc nhỏ mắt là do loại thuốc này đang được bán tràn lan trên thị trường. Tuy để lại biến chứng nguy hiểm, nhưng bất cứ ai cũng có thể dễ dàng mua được các loại thuốc này trong nhà thuốc.

 

Không chỉ các loại thuốc như polydexa, mà một số loại thuốc bổ dưỡng cho mắt (được quảng cáo rộng rãi), vẫn chứa hoạt chất co mạch. Nếu dùng không đúng, dùng thường xuyên, kéo dài cũng có thể gây hại cho mắt.

 

Dùng các loại thuốc nhỏ mắt có corticoid phải có chỉ định chặt chẽ của bác sĩ. Điển hình trong việc dùng thuốc chống viêm với bệnh viêm kết mạc dị ứng, nếu dùng thuốc không được theo dõi của bác sĩ sẽ có nguy cơ bị mù loà cao.

 

“Vì vậy, với các loại thuốc có corticoid, trong quá trình sử dụng phải có sự theo dõi của bác sĩ, chỉ khi nào tái phát những đợt viêm cấp tính bác sĩ mới cho dùng và bên cạnh đó bệnh nhân cần phải duy trì loại chống dị ứng. Loại thuốc chống dị ứng mới là thứ người bệnh viêm kết mạc dị ứng cần dùng thường xuyên, kéo dài”, BS Khanh khẳng định.

 

Hơn nữa, dùng các loại thuốc có chất co mạch chỉ có tác dụng điều trị triệu chứng, chỉ có tác dụng chống viêm. Nguy hiểm hơn, người bệnh dùng thấy hết triệu chứng cứ ngỡ khỏi bệnh, thực tế, lạm dụng thuốc co mạch này sẽ giảm hiệu quả chống viêm, chống dị ứng.

 

Tuy nhiên, quan trọng hơn là cần thay đổi thói quen sử dụng thuốc bừa bãi của người bệnh. “Bất kể với loại thuốc nào, kể cả thuốc bổ, người bệnh  không bao giờ nên tự mua thuốc mà không có đơn, có chỉ định của bác sĩ”, BS Khanh nói.

 

Hồng Hải

Dòng sự kiện: Kinh nghiệm - Bí quyết