“Mù dở” vì chọc phá rắn bán rong

(Dân trí) - Thấy xe chở lồng rắn bán dạo đậu trên vỉa hè, anh H. lại ngó nghiêng rồi dùng cây chọc phá, con rắn hổ mèo đang bị nhốt giận giữ bành mang. Đột nhiên, từ miệng con rắn phun ra hai dòng nọc độc khiến mắt H. cay xòe rồi tối sầm.

Trường hợp gặp nạn vì nghịch dại xảy ra vào ngày đầu tháng 3 kể trên là của L.V.H. (22 tuổi, ngụ tại Vũng Tàu). Buổi sáng, trước khi nhập viện H. đi tập thể dục, trên đường trở về anh tình cờ thấy xe bán rắn dạo đang đậu bên vỉa hè nên tò mò lại xem. Thấy con rắn hổ mèo ngẩng cao cổ có vẻ hung hãn, H. cao hứng cầm cây chọc phá. Đang lúc nghía sát mặt vào lồng rắn, bất ngờ con rắn hổ phun 2 dòng nọc độc từ miệng trúng vào mặt, mắt của H.

Trong tích tắc cả hai mắt của H. có cảm giác cay xè rồi tối sầm lại. Ngay sau đó, H. được đưa đến Trung tâm Mắt tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chữa trị, nhưng cả 2 mắt bị trúng nọc độc của rắn đều tổn thương nặng. Sau nhiều ngày chữa trị, các bác sĩ mới ngăn chặn được nguy cơ hoại tử mắt của bệnh nhân, tuy nhiên thị lực 2 mắt của H. hiện chỉ còn lại 3/10 cùng với đó 2 vết sẹo lớn trong giác mạc.
 
Bác sĩ cho biết, rắn có thể phun nọc ở cự ly xa tới 1,5m và bán kính phun khá rộng. Bị rắn phun nọc độc trúng mắt là tai nạn ít gặp nhưng rất nguy hiểm bởi nguy cơ mù lòa do nọc độc gây ra rất cao. Vì thế trong trong trường hợp bị rắn phun nọc vào mắt, ngay lập tức người trúng độc phải được sơ cứu bằng cách rửa mắt bằng nước sạch hoặc các loại thuốc thông thường như nước muối sinh lý, nước mắt nhân tạo và phải nhỏ liên tục vào mắt để làm trôi nọc độc.

Nếu không được cấp cứu kịp thời, đúng cách, nọc rắn có thể ngấm vào giác mạc gây tổn thương mắt, thậm chí ngộ độc toàn thân. Trong trường hợp chỉ bị nọc rắn ngấm nhẹ, bệnh nhân có thể được điều trị khỏi, không để lại di chứng. Nhưng nếu bị nọc rắn ngấm sâu hơn, bệnh nhân có thể bị phù toàn bộ giác mạc, phản ứng viêm bồ đào, viêm nội nhãn, gây sẹo giác mạc và có thể dẫn đến mù lòa, nguy hiểm hơn có thể tử vong.

Li Uyên