Một trẻ 15 tuổi chịu di chứng não vì viêm não Nhật Bản

(Dân trí) - Bé trai 15 tuổi (Hà Tĩnh) được đưa đến khoa Nhi (BV Bạch Mai) trong tình trạng mất ý thức do viêm não cấp. Kết quả chọc dịch não tủy đã khẳng định bệnh nhi mắc viêm não Nhật Bản B. Các chuyên gia cũng khuyến cáo, tháng 6, tháng 7 là tháng cao điểm của bệnh lý nguy hiểm này, có thể để lại nhiều di chứng não.

3 ca viêm não Nhật Bản

Trước đó, cháu Hoàng Văn C (15 tuổi, Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) có dấu hiệu sốt, nôn, đau đầu kèm với bại cánh tay phải. Khi có dấu hiệu này, bệnh nhi đã được gia đình đưa đến BV đa khoa huyện Đức Thọ, rồi được chuyển ra BV Hữu Nghị (Nghệ An). Tiên lượng ảnh hưởng não nặng, bệnh nhi được chuyển đến Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) trong tình trạng li bì, gọi hỏi không biết, ngưng thở, nhịp tim, huyết áp bất thường.

Một trường hợp viêm não hôn mê điều trị tại BV. Ảnh: H.Hải
Một trường hợp viêm não hôn mê điều trị tại BV. Ảnh: H.Hải

Sau khi tiến hành cấp cứu, thở máy qua nguy kịch, nhận thấy bệnh nhi có những dấu hiệu viêm não rõ ràng, các bác sĩ đã chỉ đạo lấy dịch não tủy xét nghiệm và được chẩn đoán mắc viêm não. Kết quả chọc dịch não tủy cho thấy trẻ mắc viêm não Nhật Bản B. Khoa Nhi cũng đã báo cáo trường hợp viêm não này đến Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương.

Sau khi điều trị ổn định, bệnh nhân đã được chuyển sang khoa Đông y để tiếp tục điều trị, phục hồi di chứng não do viêm não Nhật Bản B gây ra.

Trước đó, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) và bệnh viện của tỉnh Thanh Hóa cũng báo cáo phát hiện 2 ca mắc viêm não Nhật Bản, nâng tôngr số c mắc viêm não Nhật Bản trên cả nước lên 3 trường hợp trong tổng số 215 trẻ mắc viêm não các thể.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, mùa hè là giai đoạn cao điểm của viêm não, trong đó có viêm não Nhật Bản, đặc biệt tháng 7 được coi là đỉnh của dịch viêm não Nhật Bản, bệnh có thể dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề.

20 - 30% ca nhập viện tử vong

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, viêm não Nhật Bản là một bệnh lý nguy hiểm nhưng căn bệnh này không có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ hồi sức, duy trì đợi bệnh nhân tự hồi phục nên tỉ lệ tử vong cao (chiếm khoảng 30% bệnh nhân nhập viện); nếu khỏi tỉ lệ di chứng cũng cao hơn (chiếm khoảng 1/3-1/2 trường hợp sống sót)

Viêm não Nhật Bản thường có biểu hiện rất cấp tính bao gồm sốt cao đột ngột, nhức đầu, nôn mửa; rối loạn tinh thần ở các mức độ khác nhau: vật vã mê sảng hoặc ly bì, lú lẫn, hôn mê kèm theo co giật, cử động bất thường hoặc bị liệt. Việc phát hiện sớm sẽ giảm được những di chứng não cho trẻ sau này.

Như trường hợp trên hiện đã không còn nguy kịch tính mạng nhưng di chứng thần kinh là khá nặng nề, tay của bệnh nhi vẫn bị liệt. Bệnh nhi sẽ còn phải điều trị, phục hồi chức năng lâu dài vì di chứng do viêm não Nhật Bản để lại.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, khoa Nhi (BV Bạch Mai), là căn bệnh rất nguy hiểm nhưng viêm não Nhật Bản có thể chủ động phòng ngừa bằng vắc xin. Việc tiêm phòng viêm não Nhật Bản phải đủ đủ 3 mũi thì hiệu lực bảo vệ mới đạt 90-95% trong khoảng 3 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi sẽ giúp bảo vệ trẻ khỏi căn bệnh nguy hiểm này.

PGS Phu cho biết, tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với vi rút viêm não Nhật Bản đều có thể mắc bệnh. Tuy nhiên bệnh gặp nhiều nhất ở trẻ dưới 15 tuổi, chiếm hơn 90% số ca mắc, trong đó đa số là trẻ 1-5 tuổi.

“Căn bệnh này là do muỗi truyền. Vì thế, để phòng bệnh người dân cần ngủ màn, tránh muỗi đốt. Vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại để muỗi không có nơi trú đậu. Khi có dấu hiệu sốt cao đột ngột, nôn, buồn nôn, đau đầu nên đưa trẻ đến viện sớm để chẩn đoán xác định”, PGS Phu nói.

Hồng Hải