1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Viêm não Nhật Bản và những điều nên biết

Viêm não Nhật Bản là một bệnh nhiễm khuẩn thần kinh, có thể dẫn tới tình trạng tổn thương não vĩnh viễn, tỷ lệ tử vong rất cao.

Viêm não Nhật Bản (còn được gọi là viêm não mùa hè, viêm não B) là một bệnh nhiễm khuẩn thần kinh, có thể dẫn tới tình trạng tổn thương não vĩnh viễn, tỷ lệ tử vong rất cao.

 

Bộ Y tế cho biết viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi là con vật trung gian. Khi bị muỗi nhiễm virus viêm não Nhật Bản đốt, người có thể mắc bệnh viêm não Nhật Bản và bệnh thường gặp nhiều ở trẻ em. Tỷ lệ tử vong cao.

 

Viêm não Nhật Bản là bệnh thường gặp nhiều ở trẻ em và có tỷ lệ tử vong cao (Ảnh: KT)

Viêm não Nhật Bản là bệnh thường gặp nhiều ở trẻ em và có tỷ lệ tử vong cao (Ảnh: KT)

 

Theo thống kê của BV Nhi Trung ương, tính đến ngày 25/6, số ca viêm não nhập viện là gần 130 ca, trong đó tỉ lệ bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản B lại tăng vọt với 36 ca so với cùng kỳ năm 2013 (chiếm gần 30%, năm 2013 tỉ lệ này chỉ là 8%). Trong đó có 2 ca tử vong, kết quả xét nghiệm 1 ca dương tính với viêm não Nhật Bản B và 1 ca có liên quan.

 

Trong buồng cấp cứu của khoa Truyền nhiễm có buồng 4 bệnh nhân viêm não thì có tới 3 ca chưa tiêm vaccine và 1 ca không rõ tiền sử tiêm chủng.

 

Triệu chứng bệnh

 

Thời kỳ ủ bệnh là 1 - 6 ngày, ngắn nhất 24 giờ và có khi tới 14 ngày, thường ít có triệu chứng. Bệnh thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng như sốt, đau đầu, buồn nôn và nôn. Sau đó sốt cao, co giật, co cứng cơ và lú lẫn.

 

Triệu chứng nổi bật trong giai đoạn toàn phát là những dấu hiệu ở màng não, não và rối loạn thần kinh thực vật. Đối với dấu hiệu màng não có 2 triệu chứng phổ biến là cứng gáy và dấu hiệu Kernig. Rối loạn vận động thể hiện trên nhiều mặt như co cứng cơ, co vặn, cơn quay mắt quay đầu, co giật, động cơn, run, liệt nửa người, mất vận động ngôn ngữ.

 

Các triệu chứng thần kinh thực vật rất đa dạng và nặng nề: nhiệt độ giao động, xanh tái, rối loạn hô hấp, tăng tiết đờm dãi, nhịp tim nhanh, chướng bụng, nôn, bí đại tiểu tiện và ngừng hô hấp đột ngột. Các triệu chứng tâm thần chủ yếu là rối loạn ý thức với các mức độ khác nhau từ u ám, ngủ gà đến hôn mê sâu.

 

Trong các trường hợp nặng tiến triển đến tử vong, thường thấy sốt trên 40 độ C kèm với các rối loạn thần kinh thực vật nặng nề. Tử vong thường xảy ra vào ngày thứ 3 đến thứ 8 của giai đoạn cấp. Với các bệnh nhi sống sót có thể để lại các di chứng thần kinh tâm thần.

 

Cách phòng bệnh

  

Tiêm chủng là cách phòng ngừa tốt nhất (Ảnh: SKĐS)

Tiêm chủng là cách phòng ngừa tốt nhất (Ảnh: SKĐS)

 

Theo khuyến cáo của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền. Bệnh lưu hành quanh năm và gây dịch trong mùa hè, thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi.

 

Lợn và chim là những ổ chứa virus viêm não Nhật Bản. Muỗi là trung gian truyền bệnh hút máu động vật có chứa vi rút rồi truyền cho người khi đốt. Muỗi thường đẻ trứng ở ruộng, kênh, mương và hay trú đậu ở các chuồng gia súc (lợn, trâu bò). Muỗi hoạt động cả ngày lẫn đêm, nhưng hoạt động mạnh từ 18 - 22 giờ.

 

Để phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản, Bộ Y tế khuyến cáo:

 

- Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, chuồng gia súc sạch sẽ để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, nên dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy.

 

- Khi đi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi trong các hộ gia đình, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc đề phòng muỗi đốt.

 

- Tiêm vaccine viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Tiêm chủng với 3 liều cơ bản: Mũi đầu tiên lúc trẻ được 1 tuổi, mũi 2 tiêm sau mũi 1 từ 1-2 tuần, mũi 3 tiêm sau mũi 2 một năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi./.

 

Theo CTV Thùy Anh

VOV.VN