Một tiến sĩ nhiễm HIV 22 năm vẫn khỏe mạnh

Nhiễm căn bệnh thế kỷ từ năm 1983, nhưng đến nay David Stephens (người Australia) vẫn hoàn toàn khoẻ mạnh. Tiến sĩ xã hội học này đi khắp nơi trên thế giới hoạt động vì mục đích xoá bỏ sự kỳ thị với người nhiễm HIV.

Tiến sĩ David Stephens hiện làm việc cho Policy Việt Nam (Tổ chức phi chính phủ của Mỹ chuyên giúp hoạch định chính sách liên quan tới HIV/AIDS) tại Hà Nội.

Ông biết mình nhiễm HIV khi đã có vợ hơn 18 tháng. "Mất một thời gian khá lâu tôi mới vượt qua được sự sợ hãi", ông nhớ lại. Ông quyết định thông báo cho vợ biết và đưa vợ đi xét nghiệm. Nhưng thật may mắn, vợ ông không bị nhiễm.

Những người thân và khá nhiều bạn bè không bỏ rơi mà trái lại còn động viên an ủi khi biết ông nhiễm bệnh. Điều này giúp ông vượt qua khủng hoảng, lo sợ và lấy lại niềm tin vào cuộc sống.

Một năm sau, ông quyết định đi học đại học và tham gia hoạt động tuyên truyền cách phòng chống và giúp đỡ những người bị nhiễm HIV. Với mong muốn góp một phần công sức cho việc ngăn ngừa sự lây nhiễm HIV, xoá bỏ sự kỳ thị của xã hội đối với họ, ông đã học và đạt tới bằng tiến sĩ ngành xã hội học. Sau đó ông đi khắp nơi trên thế giới để thực hiện nguyện vọng của mình.

"Thật đau lòng khi chứng kiến một người phụ nữ Nam Phi bị dân làng ném đá đến chết khi cô thú nhận bị nhiễm HIV, mặc dù lúc đó cô ấy vẫn đang mạnh khỏe. Người nhiễm HIV bị kỳ thị khủng khiếp và người ta sợ họ như sợ ma mặc dù chưa bao giờ nhìn thấy ma", ông nghẹn ngào khi nhắc lại điều này. "Từ đó về sau, tất cả công việc của tôi là cố gắng thay đổi suy nghĩ của xã hội về người nhiễm HIV, xóa bỏ kỳ thị đối với họ", ông nói.

"Đài truyền hình Australia đã làm chương trình về gia đình tôi. Rất nhiều người dân ở đất nước tôi, trường học nơi con tôi đang theo học, bạn bè và người thân của bạn con trai tôi đều biết tôi đang nhiễm HIV. Nhưng không ai xa lánh. Con trai tôi đã 10 tuổi vẫn đi học và có một cuộc sống bình thường chứ không bị cô lập. Tôi sẵn sàng cho báo chí sử dụng hình ảnh của mình mà không sợ bị kỳ thị. Tôi chỉ muốn chứng minh rằng người bị nhiễm HIV vẫn bình thường như bao nhiêu người khác", ông cho biết.

David Stephens đang có một gia đình hạnh phúc và vẫn duy trì cuộc sống tình dục an toàn để không lây nhiễm. Nhờ vào sự tiến bộ của khoa học mà ông được hưởng niềm vui làm cha. Virus có trong tinh dịch nhưng không có trong tinh trùng của người bị nhiễm HIV. Bằng biện pháp lọc rửa tinh trùng mà con ông ra đời khỏe mạnh, không bị nhiễm HIV.

Các nhà tư vấn về HIV/AIDS cho biết, rất nhiều người nhiễm HIV 8 năm, 12 năm nhưng họ vẫn khỏe mạnh. Nếu không phải chính họ nói ra thì không ai biết rằng họ đang mang HIV. Chỉ vì sự kỳ thị của mọi người mà họ phải giấu, thậm chí với cả người thân.

Anh Hoàng Minh đã sống chung với HIV 12 năm. Anh vẫn đi làm để tự nuôi sống bản thân mình. "Đang là phó giám đốc công ty xuất nhập khẩu thì biết mình bị nhiễm. Tôi thành thật báo cho cơ quan biết và được gợi ý tự làm đơn xin thôi việc. Tôi phải đi xa chỗ làm cũ tìm công việc mới. Bao nhiêu năm rồi nhưng chỗ nhà trọ không ai biết tôi đang nhiễm HIV", anh bộc bạch.

Hay anh Nhật Giao, 29 tuổi, khá đẹp trai, rất mập mạp khỏe mạnh và vui tính khi trò chuyện. Anh nhiễm HIV đã gần 10 năm. Anh tự nhận có một quá khứ đầy tội lỗi: đua đòi, nghiện ma túy, phạm pháp và đi tù. Khi được ân xá trở về, biết có một người bạn ngày xưa chết vì AIDS. Hoảng sợ, anh đi làm xét nghiệm và biết rằng mình đã nhiễm HIV. "Tôi cảm thấy cuộc sống đã thật sự khép cửa. Tôi chỉ muốn tung hê tất cả để tàn phá cuộc đời. Thế nhưng, lúc ấy bố tôi đã đặt tay lên vai tôi và nói: bố sẽ cùng con vượt qua nỗi đau này. Nhờ đó tôi vẫn đang mạnh khỏe như hôm nay", anh Giao nói về cảm giác của mình lúc ấy. 

Vì sự kỳ thị của những người xung quanh mà anh phải rời Hà Nội vào Sài Gòn để làm lại cuộc đời. Ngoài công việc hằng ngày, anh còn là thành viên của đội đồng đẳng "Nhóm tình bạn", chuyên làm công tác tư vấn tâm lý cho những người bị nhiễm HIV/AIDS. Những người xung quanh không ai biết anh bị nhiễm HIV.

Đã từ lâu tồn tại một khái niệm người nhiễm HIV/AIDS thường ốm yếu gầy gò, không còn sức sống, và chỉ chờ chết... Nhưng theo các bác sĩ hình ảnh đó là của người nghiện bị nhiễm HIV đã chuyển sang bệnh AIDS ở giai đoạn cuối. Họ không biết gìn giữ sức khỏe khi đã nhiễm HIV, vẫn tiếp tục cuộc sống sai lầm nên sức khỏe mới bị tàn phá nhanh đến vậy. 

Ông David Stephens, cho biết, cách sống sẽ quyết định thời gian sống của người nhiễm HIV. Giai đoạn đầu được gọi là giai đoạn nhiễm không có dấu hiệu. Nếu sống lành mạnh không làm gì ảnh hưởng tới sức khỏe, không làm gì để phải tiếp nhận thêm virus HIV vào cơ thể thì người đang mang HIV trong người vẫn khỏe mạnh trong thời gian rất dài, ít nhất là 5 năm. Nhưng đối với người trẻ có sức khỏe tốt, có thể khỏe mạnh không cần đến sự trợ giúp của thuốc lên đến khoảng 10 năm. Khi biết gìn giữ để kéo dài sự sống người ta sẽ có nhiều cơ may hơn để chờ đợi sự tiến bộ của y học.

"Hãy tìm đến các trung tâm tham vấn để hiểu đúng về HIV/AIDS. Từ đó người nhiễm HIV sẽ có suy nghĩ tích cực với cuộc sống", ông David Stephens khuyên. 

Theo Võ An
Vnexpress