Một số điều cần biết về bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng có thể nhầm lẫn với một số bệnh khác nên cần để ý tới những biểu hiện, triệu chứng để phát hiện bệnh chính xác, kịp thời.

Bệnh tay chân miệng dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác

Theo các chuyên gia y tế, bệnh tay chân miệng có những biểu hiện dễ nhầm lẫn với một số bệnh khác nên có thể gây ra chẩn đoán sai, ảnh hưởng đến việc điều trị. Để phân biệt bệnh tay chân miệng với các bệnh khác, cần để ý tới những triệu chứng.

Bệnh tay chân miệng có thể bị nhầm lẫn với bệnh loét miệng bởi các vết loét. Các vết loét miệng thường nhỏ, đường kính 1 - 3mm, xuất hiện đơn độc hay thành từng đám ở niêm mạc má, môi, nướu hoặc dưới lưỡi, hình tròn hoặc bầu dục, màu trắng xám hay vàng. Trong khi đó, vết loét ở miệng do bệnh tay chân miệng thường là đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt.

Một số điều cần biết về bệnh tay chân miệng - 1

Điểm khác nhau rõ nhất giữa sốt virus và tay chân miệng là sốt virus có thể giảm xuống sau khi dùng thuốc hạ sốt, người bệnh tỉnh táo. Còn nếu là sốt do bệnh tay chân miệng thì thường kèm theo những nốt ban ở tay, chân và miệng.

Những vết phát ban trên da, kèm theo sốt cũng có thể khiến cho bệnh tay chân miệng dễ bị nhầm với bệnh sốt phát ban, dị ứng, thủy đậu... Nếu là sốt phát ban thì các nốt ban thường xen kẽ toàn thân, mịn và có thể kèm theo hạch sau tai. Ngược lại, phát ban do tay chân miệng xuất hiện chủ yếu ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông... và hiến khi bị loét.

Một số điều cần biết về bệnh tay chân miệng - 2

Nhận diện bệnh tay chân miệng và cách phòng bệnh

Tay chân miệng do nhóm virus đường ruột, thường là Coxsackieviruses A16 và enterovirus 71, gây ra, dễ phát triển thành dịch và trong trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn tới biến chứng về thần kinh, tim mạch, hô hấp như viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp…

Bệnh có thể lây từ người này sang người khác qua đường hô hấp (hít phải lượng không khí có chứa mầm bệnh đó), qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết (như nước bọt, nước mũi) hoặc chất thải (phân) của người nhiễm bệnh. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu chữa bệnh mà chủ yếu là điều trị các triệu chứng.

Biểu hiện của bệnh

Khi bị nhiễm virus và mắc bệnh tay chân miệng, người bệnh thường trải qua 4 giai đoạn:

Giai đoạn ủ bệnh: Thường kéo dài 3-7 ngày sau khi tiếp xúc với mầm bệnh.

Giai đoạn khởi phát: Kéo dài 1-2 ngày sau giai đoạn ủ bệnh với triệu chứng: Sốt, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, có thể kèm theo tiêu chảy.

Giai đoạn toàn phát: Kéo dài khoảng 3-10 ngày với những triệu chứng điển hình: Loét miệng; Phát ban trên người, tập trung chủ yếu ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông, sốt, nôn…

Giai đoạn hồi phục: Giai đoạn này diễn ra sau giai đoạn toàn phát.

Làm gì khi bị tay chân miệng

Khi bị tay chân miệng, ngoài việc nghỉ ngơi, cách ly, người bệnh cần được bổ sung những loại thực phẩm như thực phẩm giàu vitamin C (nước cam, chanh, bưởi...) để tăng cường sức đề kháng; Thực phẩm giàu vitamin A (các loại quả có màu đỏ, vàng như nước ép cà rốt, cà chua, dưa hấu…) để tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể; Thực phẩm giàu kẽm (hàu, ngao, lòng đỏ trứng, thịt gà…) để bổ sung dinh dưỡng, nhanh hồi phục.

Đặc biệt, nếu trẻ bị sốt, cha mẹ nên dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ chứ không được tự ý lạm dụng truyền nước hay truyền dịch sẽ làm bệnh trầm trọng hơn.

Biện pháp phòng ngừa bệnh

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh tay chân miệng như sau:

- Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng với nước sạch, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

- Tránh tiếp xúc với những trẻ có biểu hiện mắc bệnh tay chân miệng và không đến những nơi có mầm bệnh, đặc biệt những vùng có nguy cơ phát triển thành dịch.

- Làm sạch môi trường xung quanh như đồ chơi, nhà cửa.

- Bổ sung dinh dưỡng hợp lý để tăng cường sức khỏe, tăng sức đề kháng và miễn dịch.

- Theo dõi phát hiện sớm để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.