Nghệ An:
Một sản phụ tử vong sau khi sinh con
(Dân trí) - Một sản phụ chuyển dạ sinh con và được người nhà đưa đến bệnh viện. Tuy nhiên, sản phụ đã tử vong sau sinh. Bác sĩ trực tiếp đỡ đẻ và Ban giám đốc bệnh viện khẳng định đã làm hết trách nhiệm.
Chưa kịp hạnh phúc với cô công chúa vừa ra đời anh Nguyễn Đình Nhã, chồng của sản phụ Hoàng Thị Nguyệt (SN1972, xóm 6, xã Hồng Long, huyện Nam Đàn, Nghệ An) đã phải trải qua cú sốc quá lớn trước cái chết oan ức của vợ. Đau đớn, anh chỉ biết khóc theo tiếng kêu gào của hai đứa con trai.
Sinh được con, sản phụ tử vong
Cố giấu đi những giọt nước mắt buồn, anh Nguyễn Đình Nhã (chồng chị Nguyệt) cho biết, chị Nguyệt có dấu hiệu trở dạ và được đưa vào BVĐK huyện Nam Đàn lúc 17h ngày 26/1/2012. Khoảng 5h ngày 27/1/2012, chị Nguyệt được bác sỹ (BS) Nguyễn Khắc Lâm khám và kết luận tử cung đã mở hết và có thể để đẻ thường. Tuy nhiên, BS Lâm không cho sản phụ tự rặn sinh bởi còn bận mổ một ca khác. Đến 6h45 phút cùng ngày, chị Nguyệt đã sinh hạ em bé. Nhưng chỉ ít phút sau khi sinh, chị Nguyệt kêu đau và có hiện tượng máu chảy nhiều. Gia đình lo lắng đi gọi bác sĩ, BS Lâm tới và cho biết không có vấn đề gì rồi ra ngoài.
Quá nóng ruột, anh Nhã hỏi một cô hộ sinh đang ngồi trực bên cạnh thì nhận được câu trả lời: không việc gì và dấu hiệu đau là do co bóp tử cung. Một lát sau, chị Nguyệt bất ngờ giảm kêu đau, nhưng lại liên tục nôn mửa. Thấy vậy, người nhà chị Nguyệt đã nhốn nháo, cô hộ sinh vội vàng đi gọi BS Lâm cùng một BS khác đến để cấp cứu.
Lúc này chị Nguyệt đã trong cơn nguy kịch. Ngay lập tức các BS trong ca trực đã thuê một chiếc xe 115 dịch vụ ở ngoài bệnh viện (lúc đó xe của bệnh viện đều đi làm nhiệm vụ - PV) để đưa bệnh nhân Nguyệt xuống bệnh viện tỉnh Nghệ An.
Đưa chị Nguyệt xuống BVĐK tỉnh Nghệ An cấp cứu gồm 3 nữ hộ sinh và 2 người nhà bệnh nhân. Mặc dù ngoài trời quá lạnh nhưng khi lên xe cấp cứu bệnh nhận Nguyệt được đặt nằm trên một cái cáng, không chăn hoặc ga lót phía dưới.
Anh Nhã bức xúc nói: “Hôm đó trời lạnh lắm, vợ tôi vừa sinh xong vậy mà cáng không có nổi một tấm ga trải, bình truyền thuốc không được treo lên móc sắt mà cho nằm trên bụng bệnh nhân. Đến bệnh viện tỉnh Nghệ An, tôi chỉ thấy 1 nữ hộ sinh, còn 2 người kia đi đâu cũng không biết”.
Sau khi nhập viện được khoảng 5 phút, tôi và người thân nhận được thông báo, bệnh nhân không thể cứu được vì quá muộn. Chị Nguyệt mãi vĩnh viễn ra đi và cú sốc quá lớn đối với gia đình anh Nhã, nỗi đau lớn hơn chính là cô con gái vừa sinh ra chưa một lần nhìn thấy mặt mẹ.
Sau khi chôn cất vợ xong anh Nhã và người nhà đến tìm gặp Giám đốc BVĐK huyện Nam Đàn để tìm câu trả lời thích hợp, nhưng anh nhận được câu trả lời: bệnh nhân Nguyệt chết là do “băng huyết”.
Bệnh nhân chết là do lớn tuổi, nước ối cạn...?
Khi được hỏi: Vì sao người nhà bệnh nhân phản ánh bác sĩ thiếu trách nhiệm vì bệnh nhân có hiện tượng máu ra nhiều và đau dữ dội cần bác sĩ khám nhưng gọi mãi cũng không thấy bác sĩ đâu?
Ông Anh cho rằng: Hôm trước bác sĩ Lâm có lên báo cáo với tôi về trường hợp tử vong của sản phụ Nguyệt. BS Lâm có nói tôi đã làm đến mức có thể nhưng không thể nào cứu được chị ấy. Tôi nghĩ, với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực này, bác sĩ Lâm không hề để sai sót như vậy được.
Chúng tôi ra về nhưng trong lòng vẫn chưa hết thắc mắc về nguyên nhân cũng như trách nhiệm thuộc về ai trước cái chết của một con người và nỗ̉i đau của những người thân?
Thiết nghĩ các ngành liên quan và đặc biệt là Sở Y tế Nghệ An cần sớm vào cuộc làm rõ nguyên nhân về cái chết bất thường của sản phụ Hoàng Thị Nguyệt.
Xuân Thao - Nguyễn Phê