Một nửa học sinh Hà Nội phải đeo kính vì cận, loạn thị

Hồng Hải

(Dân trí) - Tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) đang ngày càng phổ biến trong thanh thiếu niên, với tỷ lệ mắc khoảng 15-20% ở học sinh nông thôn, 30-40% ở thành phố.

Chiều 10/10, Bệnh viện Mắt Trung ương tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Thị giác thế giới 2024.

Một nửa học sinh Hà Nội phải đeo kính vì cận, loạn thị - 1

Nhiều trẻ em đang điều trị tại Bệnh viện Mắt Trung ương vì các bệnh tật khúc xạ, nhược thị (Ảnh: PV).

PGS.TS Cung Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, thứ 5, tuần thứ hai của tháng 10 hàng năm được Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Quốc tế về phòng chống mù lòa (IAPB) chọn là Ngày Thị giác thế giới.

Ngày Thị giác thế giới năm nay với chủ đề "Ưu tiên chăm sóc mắt trẻ em".

Theo thống kê, trên thế giới hiện có khoảng 314 triệu người mù và thị lực thấp, trong đó khoảng 45 triệu người mù, những người trên 50 tuổi chiếm tỷ lệ 80%. Cứ 5 giây thế giới có thêm một người bị mù, và cứ 1 phút thế giới có thêm 1 trẻ bị mù. 90% người mù sống ở các nước nghèo và đang phát triển với các điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế khó khăn.

Tuy nhiên, có đến 80% các nguyên nhân gây mù có thể điều trị hoặc phòng tránh được.

Việt Nam hiện có khoảng 2 triệu người mù và thị lực kém. Các nguyên nhân gây mù chính hiện nay qua điều tra cho thấy đục thể thủy tinh vẫn là nguyên nhân chủ yếu (chiếm tới 66,1%), tiếp đó là các bệnh lý đáy mắt, bệnh glôcôm, tật khúc xạ...

Đặc biệt, với lứa tuổi học đường, các bệnh lý tật khúc xạ ngày càng gia tăng, với tỷ lệ mắc khoảng 15-20% ở học sinh nông thôn, 30-40% ở thành phố.

Nếu tính riêng nhóm trẻ từ 6-15 tuổi (lứa tuổi cần ưu tiên được chỉnh kính) cả nước có khoảng gần 15 triệu em, với tỷ lệ mắc các tật khúc xạ khoảng 20%, thì Việt Nam ước tính 3 triệu em mắc tật khúc xạ cần chỉnh kính, trong đó có tới 2/3 bị cận thị.

Đặc biệt, theo khảo sát về tình trạng mắc tật khúc xạ ở trẻ em trên một số trường tiểu học và THCS tại Hà Nội (năm 2000) và tại TP.HCM (năm 2023) cho thấy, Hà Nội có 51% trẻ mắc tật khúc xạ; ở TPHCM, tỷ lệ trẻ mắc tật khúc xạ lên tới hơn 75%, trong đó, số trẻ bị cận thị chiếm gần 53%.

Một nửa học sinh Hà Nội phải đeo kính vì cận, loạn thị - 2

Khám mắt cho trẻ tại một trường tiểu học ở Hà Nội (Ảnh: N.P).

PGS.TS Phạm Ngọc Đông, Phó Giám đốc Phụ trách quản lý điều hành Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, khám và cấp kính cho trẻ em mắc tật khúc xạ lại là một trong những biện pháp can thiệp với chi phí thấp nhất nhưng mang lại hiệu quả cao để giảm tỷ lệ mù lòa gặp nhiều rào cản từ nhận thức, cơ sở vật chất và kinh phí....

Vì thế, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám sớm nếu phát hiện trẻ có các dấu hiệu nhìn kém. 

Để phòng các tật khúc xạ ở trẻ, cha mẹ cần lưu ý tăng cường cho trẻ chơi ngoài trời, cho trẻ không gian mở, hạn chế sử dụng các thiết bị có màn hình. 

Đồng thời, chúng ta cần tuân thủ nguyên tắc 20-20-20, nghĩa là cứ sau 20 phút nhìn màn hình thiết bị điện tử, phụ huynh nên cho bé nghỉ ít nhất 20 giây và tập trung mắt vào một vật cách xa hơn khoảng 6m.