Dấu hiệu nguy hiểm ở mắt, người cận thị không được bỏ qua
(Dân trí) - Ở người cận thị, trục nhãn cầu kéo dài hơn bình thường làm cho võng mạc bị giãn mỏng ra và thoái hóa, có thể tạo thành vết rách, nguy cơ bong võng mạc là rất lớn. Độ cận càng cao thì nguy cơ càng lớn.
Chia sẻ bên lề buổi hội thảo khoa học ứng dụng các kỹ thuật mới trong lĩnh vực nhãn khoa diễn ra vào chiều 31/5, ThS.BS Đặng Thị Như Quỳnh, Phó giám đốc phụ trách chuyên môn một bệnh viện mắt tại Hà Nội cảnh báo về những tổn thương trên đáy mắt ở bệnh nhân khúc xạ, đặc biệt là người cận thị.
Theo BS Quỳnh, với người cận thị, nhất là người có độ cận cao, trục nhãn cầu kéo dài ra hơn bình thường nên võng mạc bị giãn mỏng ra, đặc biệt là võng mạc chu biên (vùng võng mạc nằm ở phía xa nhất, là vùng yếu nhất). Tình trạng này có thể gây ra những tổn thương thoái hóa, có thể tạo thành vết rách do co kéo dịch kính.
Khi có vết rách như vậy nguy cơ bong võng mạc rất lớn. Bong võng mạc là một bệnh lý nặng trong nhãn khoa.
Có những bệnh nhân khi đến khám để mổ cận, được kiểm tra đáy mắt, soi võng mạc chu biên thì bác sĩ phát hiện ra tổn thương ở đáy mắt. Thậm chí có trường hợp đến khám thì đã bị biến chứng bong võng mạc, nhưng vì bong ở vùng xa, kín đáo, chưa vào trung tâm nên chưa ảnh hưởng đến thị lực nên gần như người bệnh không biết.
Trường hợp của chị Xuân (41 tuổi, một Việt kiều, tên nhân vật đã thay đổi) là một ví dụ. Chị từ nước ngoài về Việt Nam với mục đích mổ mắt cận. Lý do là mắt chị đã xuất hiện tình trạng lão thị, phải đeo 2 kính khiến chị rất bất tiện.
"Tuy nhiên, khi khám chúng tôi phát hiện bệnh nhân đã bị bong võng mạc phía dưới gần sát vùng trung tâm. Trước đó, với chỉnh kính trên 3 độ có loạn trên 1 độ, bệnh nhân vẫn nhìn 10/10 nên nghĩ là bình thường", BS Quỳnh lý giải.
Theo bác sĩ, rất may là trường hợp này được phát hiện kịp thời, hiện tượng bong chưa lâu, chưa qua vùng trung tâm nên sau mổ, võng mạc của bệnh nhân trở lại trạng thái bình thường, không ảnh hưởng vùng thị lực trung tâm. Sau một thời gian, bệnh nhân quay về Việt Nam để mổ cận thị.
Dấu hiệu xuất hiện tổn thương ở đáy mắt
Hiện tượng bong võng mạc ở người cận thị dễ phát hiện muộn. Lý do họ thường chỉ nhìn được ở trung tâm, nên nếu có khuất một góc nhìn nào đó (do bong võng mạc), người bệnh cũng sẽ không phát hiện ra ngay.
"Bong võng mạc là một bệnh lý phức tạp của đáy mắt, màng thần kinh, việc điều trị để giữ thị lực tốt sẽ không cao, nguy cơ dễ bong tái phát. Thậm chí có trường hợp bong lâu, bong qua vùng trung tâm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến võng mạc hoàng điểm. Khi đó mổ có thể giúp hết tình trạng bong nhưng thị lực không cải thiện nhiều", BS Quỳnh phân tích.
Vì thế, khi bệnh nhân đã bong võng mạc, đặc biệt là bong qua vùng trung tâm cần xử lý càng sớm càng tốt thì mới có thể cứu được thị lực.
Ngoài ra, một số dấu hiệu thoái hóa võng mạc có thể xuất hiện nhưng nhiều người không chú ý. Thứ nhất là dấu hiệu ruồi bay, chấm đen bay. Ở người già dấu hiệu ruồi bay hay gặp hơn nhưng lại không đáng ngại, nhưng với người trẻ thì nên đi khám.
Thứ 2 là dấu hiệu đom đóm, chấm trắng bay, nguy cơ tổn thương đáy mắt cao hơn nữa.
Thứ 3 là hiện tượng chớp sáng trong mắt, giống như khi bạn chớp mắt thì thấy nhoằng cái, giống như tia chớp trong trường thị giác. Đây là dấu hiệu tổn thương võng mạc chu biên.
Khi có dấu hiệu như vậy, người bệnh cần đi kiểm tra. Người có độ cận thị càng cao thì càng có nguy cơ cao tổn thương đáy mắt.
Bác sĩ Quỳnh cũng lưu ý mổ cận thị là mổ thay mắt kính chứ không phải biến một con mắt đang cận thành mắt bình, có trục nhãn cầu bình thường, không có các tổn thương kèm theo.
Vì thế, sau mổ bệnh nhân vẫn phải kiểm tra mắt 6 tháng một lần để bác sĩ kiểm soát được đáy mắt. Về bản chất, mắt vẫn là cận thị nên vẫn có thể phát sinh những tổn thương tiếp theo.