Một "đại dịch" mới rình rập giới trẻ
(Dân trí) - Sau 11 năm có luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, Việt Nam vẫn là 1 trong 15 quốc gia sử dụng thuốc lá cao nhất trên thế giới. Trong khi đó, vấn nạn sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng nhanh.
Sáng 27/4, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội thảo cung cấp thông tin về các vấn đề liên quan đến mua bán, sử dụng thuốc lá mới.
Việt Nam hiện vẫn là 1 trong 15 quốc gia có tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao nhất trên thế giới. "Vị trí thứ 15 này ấn tượng đến mức từ khi chúng ta ban hành chính sách quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá giai đoạn 2001-2010, tầm nhìn 2020 cho đến khi chúng ta ban hành luật Phòng chống tác hại của thuốc lá vào năm 2012 và bây giờ chúng ta ngồi đây với nhau - sau 11 năm - thì vị trí 15 này không hề thay đổi", ThS Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết.
Theo bà, sau 11 năm thực hiện luật, tỷ lệ hút thuốc lá tại nước ta có giảm nhưng chậm, chỉ khoảng hơn 4% và vẫn còn ở mức cao. Trong khi đó, vấn nạn gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử rất cao.
"Đây là sản phẩm chúng ta chưa nhận thức đầy đủ các tác hại về lâu dài, xu hướng quản lý của các quốc gia cũng chưa ổn định. Chúng ta đi sau nên cần cẩn trọng, nguồn lực chi cho y tế cũng rất khó khăn, trong khi đó bệnh tật do thuốc lá điện tử đến sớm và nghiêm trọng hơn", Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế nhấn mạnh.
Bộ Y tế đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới. Các sản phẩm này có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện đồng thời với thuốc lá.
Lấy dẫn chứng câu chuyện tại Mỹ, ThS Đoàn Thu Huyền, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Chiến dịch trẻ em không thuốc lá cho biết, trong 3 năm qua một cụm từ được lặp đi lặp lại tại Mỹ là "đại dịch thuốc lá điện tử ở giới trẻ". Tại Mỹ, hơn 2,5 triệu học sinh sử dụng thuốc lá điện tử, trong đó có đến 25% sử dụng hằng ngày. Hiện thị trường lớn nhất của thuốc lá điện tử là Mỹ và Tây Âu.
Nguy cơ ma túy "núp bóng" thuốc lá điện tử
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, thuốc lá truyền thống có công thức cố định, trong khi đó thuốc lá điện tử thay đổi rất nhiều, hàng nghìn chất. Vì thế, chắc chắn tác hại cho sức khỏe của nó lớn hơn rất nhiều so với thuốc lá truyền thống.
Theo ông, nếu kiểm soát thuốc lá điện tử thì phải kiểm soát chặt theo quy chuẩn của dược, nhưng thuốc là để điều trị, còn thuốc lá điện tử chỉ có hại. Vì thế, việc kiểm soát như vậy là không đáng.
"Bên trong thuốc lá điện tử có rất nhiều thành phần, trong đó phải kể đến nguy cơ trộn ma túy. Có rất nhiều hậu quả mà phải mất rất nhiều năm chúng ta mới có thể thấy, ảnh hưởng đến tim mạch, phổi...", BS Nguyên nói.
Từ đầu năm đến nay, trong kết quả xét nghiệm các mẫu thuốc lá điện tử mà bệnh nhân bị ngộ độc mang đến Trung tâm chống độc trong quá trình cấp cứu, điều trị đã phát hiện tới 13 mẫu có thành phần ma túy, chất cần sa tổng hợp, trong đó có những loại ma túy thế hệ mới, là chất độc.
Theo báo cáo của công an các địa phương, năm 2022 trên toàn quốc đã phát hiện bắt giữ, xử lý 51 vụ, 97 đối tượng mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy dưới dạng "núp bóng" thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử. Trong đó ma túy được "tẩm ướp" vào thảo mộc, thuốc lá điện tử là 32 vụ, 58 đối tượng. Vật chứng thu giữ là 124,1kg và 40,7 lít dung dịch có chứa chất ma túy loại ADB-BUTINACA dùng "tẩm ướp", "pha trộn", "núp bóng" dưới dạng thuốc lá điếu, tinh dầu thuốc lá điện tử.
Xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử cao hơn ở học sinh nữ
ThS.BS Nguyễn Thị An, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Nhịp cầu Sức khỏe Canada tại Việt Nam cũng chia sẻ là một người mẹ của 2 trẻ vị thành niên, đồng thời là bác sĩ, bà thấy thực sự quan ngại, lo lắng khi hằng ngày rất dễ bắt gặp trước cổng trường, quán nước, ngã tư đường… hình ảnh trẻ em, thanh niên sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Dù thuốc lá điện tử là sản phẩm mới có, chưa được phép lưu hành ở Việt Nam nhưng tỷ lệ sử dụng trong học sinh đã cao hơn thuốc lá truyền thống. Theo BS An, đây là điểm rất đáng quan ngại.
Bên cạnh đó là xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử cao hơn ở học sinh nữ. Trước đây, vì thuốc lá truyền thống có mùi hôi, khó chịu nên đa số nữ giới không dùng. Tuy nhiên giờ các em dùng thuốc lá điện tử nhiều, điều này sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe sinh sản, giống nòi, đến thế hệ tương lai của chúng ta.
Khảo sát tại 181 cửa hàng bán trực tuyến tại Hà Nội và TPHCM cho thấy có sản phẩm chỉ có giá 50.000 đồng, học sinh chỉ cần tiết kiệm 2 bữa ăn sáng là mua được. Các phụ kiện đi kèm cũng rất rẻ. Bên cạnh đó, hương vị của sản phẩm rất đa dạng, hấp dẫn với hơn 20.000 loại.
"Các sản phẩm thuốc lá điện tử có kiểu dáng mẫu mã đẹp, có thể giống như thỏi son, chiếc bút… Vì thế, rất khó để phụ huynh, giáo viên biết đó là thuốc lá điện tử", BS An phân tích.
ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cũng cho biết, tại Việt Nam các loại thuốc lá điện tử hiện chỉ bán trên mạng, phổ biến tại một số thành phố lớn, ở một số nhóm nhất định. Song nếu chúng ta cho phép bán hợp pháp thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử sẽ bùng lên rất cao và không thể ngăn chặn được. Nếu cho bán hợp pháp thì quán nước cũng bán được. Ví dụ này chúng ta đã rất rõ qua kinh nghiệm của các nước.
Theo ông, sự đa dạng quá mức sản phẩm, quá nhiều nhà sản xuất khiến việc quản lý rất khó khăn. Hiện chưa có quốc gia nào thành công khi quản lý chặt chẽ việc sử dụng thuốc lá mới.
"Nếu Việt Nam cho phép bán hợp pháp thuốc lá điện tử thì tỷ lệ sử dụng có thể tăng nhanh, số trường hợp bị tổn thương phổi cấp, ngộ độc, chấn thương vào viện cũng nhiều. Bên cạnh đó, nguy cơ sử dụng ma túy với thuốc lá điện tử tăng nhanh. Lúc đấy trẻ nào cũng cầm thuốc lá điện tử mà không biết có ma túy không… Trong khi đó, nếu làm tốt hơn nữa việc kiểm soát hàng nhập lậu thì chúng ta có thể kìm hãm, thậm chí giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử thấp hơn nữa", TS Lâm nhấn mạnh.
WHO khuyến cáo nếu Việt Nam duy trì được như hiện tại và tăng cường quản lý sản phẩm nhập lậu thì tình hình chắc chắn sẽ tốt. Nếu hợp pháp hóa sản phẩm thì cần phải nâng cao năng lực quản lý.
"Chúng tôi mong muốn Việt Nam có sự lựa chọn thông minh nhất để ngăn chặn giới trẻ bắt đầu nghiện nicotine, bảo vệ tương lai", TS Lâm nói.
"Việc hút thuốc lá điện tử ở trẻ em gái độ tuổi vị thành niên, thanh niên, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản sẽ gây ra các hệ lụy về sức khỏe sinh sản và chất lượng giống nòi. Hiện nay Việt Nam chưa có cơ chế pháp lý và chưa đủ điều kiện để kiểm soát được việc nhập khẩu, mua bán, sử dụng thuốc lá mới thì chưa cho phép mua bán, kinh doanh sản phẩm này trên thị trường", Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nói.