1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Một bệnh nhi bị ngộ độc nước giếng

Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM vừa điều trị cho một bệnh nhân 13 tháng tuổi bị suy hô hấp nặng. Các bác sĩ phát hiện cháu bị ngộ độc nitrat do nước giếng.

Bệnh nhi nói trên ngụ tại Bình Phước, nhập viện trong tình trạng khó thở, toàn thân tím tái. Qua khám bệnh, bác sĩ nhận thấy cháu thiếu ôxy máu nặng nhưng không có dấu hiệu tổn thương ở tim - phổi; bệnh cũng không cải thiện với các phương pháp cung cấp ôxy thông thường. Cháu cũng không mắc bệnh gì lạ trước đây. Kết quả các xét nghiệm không cho thấy bất thường nào.

 

Mẹ cháu cho biết gia đình sống ở vùng nông thôn, dùng nước giếng nấu ăn hằng ngày. Từ đây, bác sĩ chẩn đoán cháu bị ngộ độc nitrat do nước giếng và được điều trị ngay với thuốc giải độc. Kết quả là bệnh nhi hồng hào lại, tỉnh táo và hồi phục hoàn toàn sau 3 ngày điều trị.

 

Thực tế điều trị ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho thấy, ngộ độc nitrat ở trẻ em thường do thức ăn uống bị nhiễm nitrat. Bệnh này đứng thứ ba trong nhóm ngộ độc do thức ăn, chủ yếu ở trẻ nhỏ hơn 12 tháng tuổi, xảy ra ở trẻ em vùng ngoại thành và nông thôn.

 

Nước giếng chứa nitrat nhiều hơn nước máy do dễ bị ô nhiễm bởi chất thải, phân bón thẩm thấu qua các mạch nước ngầm gần đó. Trẻ em sử dụng thức ăn nấu từ nước giếng nhiều nitrat sẽ bị ngộ độc. Vào cơ thể, nitrat chuyển thành nitrit, khi vào máu sẽ biến Fe2+ thành Fe3+, làm tăng lượng methemoglobin trong máu, cản trở quá trình vận chuyển ôxy đi nuôi cơ thể.

 

Trẻ ngộ độc nitrat sẽ bị thiếu ôxy nặng, toàn thân tím tái, thở nhanh, tim đập nhanh, sau đó hôn mê rồi tử vong nếu không điều trị kịp thời. Để phòng ngừa ngộ độc nitrat do thức ăn, các bác sĩ khuyên không dùng nước giếng nấu ăn, không dùng nước rau củ để pha sữa (vì rau củ có thể bị nhiễm nitrat), chọn rau củ tươi để chế biến, làm xong nên ăn ngay.

 

Theo Sài Gòn Tiếp thị