Một bệnh nhân ở TPHCM "từ cõi chết trở về" nhờ... màng tim của bò

Hoàng Lê

(Dân trí) - Các bác sĩ ở TPHCM đã tận dụng màng tim của bò cứu sống một trường hợp bị thủng động mạch chủ rất nặng, tính mạng trong thế "ngàn cân treo sợi tóc".

Ông Đ.Đ.T. (55 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) được người nhà đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện (BV) Bình Dân trong tình trạng đau hông lưng trái dữ dội, sốt lạnh run, uống thuốc giảm đau 3 ngày không khỏi. Bệnh nhân có tiền sử nhiều bệnh nền phức tạp, bao gồm đứt động mạch chủ bụng do tai nạn, viêm gan, xơ gan, đái tháo đường...

Người bệnh được chụp CT-Scan có bơm cản quang. Kết quả hình ảnh cho thấy động mạch chủ bụng bị thủng một lỗ đường kính khoảng 2cm, tạo thành túi phình giả quanh động mạch chủ kích thước lớn (đường kính 6,5cm, kéo dài 8,8cm).

Các bác sĩ chẩn đoán, đây là một trường hợp nhiễm trùng sau phúc mạc, có nhiều khối áp-xe trong ổ bụng. Ổ nhiễm trùng ăn thủng động mạch chủ bụng dưới thận tạo thành túi phình giả, nguy cơ vỡ khiến người bệnh tử vong bất cứ lúc nào. Bệnh nhân cần được gấp rút phẫu thuật thay đoạn động mạch chủ bị thủng do nhiễm trùng.

Hội chẩn khẩn, nhóm phẫu thuật viên nhận thấy việc dùng ống ghép nhân tạo là không khả thi, dễ gây nguy cơ nhiễm trùng phát triển và khả năng thải ghép cao. Do đó, các bác sĩ thống nhất chọn mảnh ghép bằng màng ngoài tim bò đã qua xử lý để thay thế vào đoạn động mạch đã hư hại.

BSCKII Hồ Khánh Đức, Trưởng khoa Tim - Mạch máu, BV Bình Dân cho biết, màng ngoài tim bò đã qua xử lý vốn được dùng để tạo van tim sinh học, che màng ngoài tim trong phẫu thuật thay van tim, vá động mạch đùi, động mạch cảnh ở cổ.

Vì là mảnh ghép sinh học nên màng ngoài tim bò đã qua xử lý có khả năng chống nhiễm trùng cao, là lựa chọn duy nhất phù hợp để cứu tính mạng người bệnh. Tuy nhiên, chưa ai trước đó ứng dụng màng tim bò để thay đoạn động mạch chủ bụng.

Một bệnh nhân ở TPHCM từ cõi chết trở về nhờ... màng tim của bò - 1

Ca phẫu thuật dùng màng tim bò để thay đoạn động mạch chủ bụng cho bệnh nhân kéo dài 4 giờ (Ảnh: BVCC).

Ca phẫu thuật thành công đưa người bệnh từ cửa tử trở về sau 4 giờ cam go. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được điều trị kháng sinh đường tiêm tĩnh mạch trong 10 ngày và được xuất viện về chăm sóc tại nhà. Sau một tháng, bệnh nhân tái khám có các kết quả siêu âm kiểm tra, cho thấy ống ghép sinh học hoạt động tốt, không có dấu hiệu nhiễm trùng, thải ghép. Bệnh nhân không còn sốt và đau bụng, vô cùng vui mừng cho biết mình thật sự đã "từ cõi chết trở về".

BS Đức cho biết, giả phình động mạch chủ do nhiễm trùng là bệnh lý hiếm gặp, là thách thức lớn cho các bác sĩ phẫu thuật trong điều trị và lựa chọn ống ghép thay thế phù hợp, đặc biệt với trường hợp nhiều bệnh nền như bệnh nhân T.

"Ca phẫu thuật sẽ tạo tiền đề cho việc sử dụng vật liệu thay thế trong tương lai cho các trường hợp phình động mạch chủ thủng do nhiễm trùng" - bác sĩ Đức nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm