Thợ lặn liệt tủy, cán bộ chịu đau và nỗi trăn trở tại huyện đảo Phú Quý
(Dân trí) - Từ nỗi trăn trở khi thấy nhiều bệnh nhân từ đảo Phú Quý vào đất liền điều trị, các bác sĩ ở TPHCM quyết định đến tận nơi khám chữa bệnh cho người dân, qua đó phát hiện nhiều hoàn cảnh đáng thương.
Giữa tháng 3, phóng viên báo Dân trí có dịp đến huyện đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) đồng hành với chương trình "Yêu thương lan tỏa", do Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TPHCM (Bệnh viện 1A) phối hợp cùng Quận đoàn Tân Bình (TPHCM) và nhiều đơn vị khác tổ chức.
Để chăm sóc sức khỏe miễn phí cho người dân địa phương, đoàn đã vượt hơn 150km từ TPHCM di chuyển ra TP Phan Thiết, sau đó có hơn 3 giờ ngồi trên tàu cao tốc rời đất liền. Và khi ghi nhận tình hình thực tế, chúng tôi mới thấy vì sao các nhân viên y tế phải tìm cách mang thuốc và trang thiết bị y tế đến tận nơi cho họ.
Nỗi trăn trở chứng kiến nhiều người vào đất liền "cầu cứu"
Còn cách giờ bắt đầu theo lịch hẹn cả tiếng đồng hồ, chú Bùi Côi (55 tuổi, ngụ xã Ngũ Phụng, huyện Phú Quý) đã cùng cháu nội tên U.T. (8 tuổi) ngồi chờ tại Trung tâm Y tế quân dân y huyện Phú Quốc, để được khám bệnh, nhận quà. Người đàn ông cho biết, bé còn 2 em gái mới 5 tuổi và 2 tuổi, được để ở nhà cho bà nội chăm sóc. Hỏi cha mẹ các cháu đâu sao không dẫn đi, người đàn ông thở dài.
"Ba cháu mất vì bệnh phổi năm ngoái ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TPHCM), nên giờ một mình con dâu tôi phụ hồ nuôi 3 đứa nhỏ. Sáng nay nó lại mắc làm ở công trình, nên không đưa con đi được.
Tôi dẫn cháu đi lãnh quà theo phiếu của nhà trường phát, nhưng cũng mong được bác sĩ khám, cho thuốc trị đau nhức chân, lưng. Tôi bị bệnh này mấy chục năm rồi, từ hồi còn làm biển nặng nhọc. Ngày nào cũng đau nhức, ngủ không thể xoay lưng, không nằm duỗi thẳng ra được mà phải co người như con tôm…", chú Côi chia sẻ.
Có rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh đến với chương trình "Yêu thương lan tỏa" (Ảnh: Hoàng Lê).
Ngồi cạnh bên, bà Phạm Thị Mèo (74 tuổi, ngụ xã Long Thái) chốc chốc lại nhăn mặt. Bà kể, mình bị tê đau chân, kéo dài lên tới lưng, đau đến giống như có ai bẻ xương.
"Giờ tôi đã già, có 2 con gái nhưng một đứa theo chồng, đứa là mẹ đơn thân cũng không khá khẩm là bao. Tôi mong được bác sĩ khám, chụp phim siêu âm xem bị bệnh gì, được trị khỏi hẳn để khỏi khổ con cháu", bà Mèo trầm ngâm.
Còn ông Đặng Đã năm nay đã 90 tuổi, đi lại khó khăn nhưng cũng cố gắng đến trung tâm y tế, khi hay tin có bác sĩ tình nguyện chuyên về phục hồi từ đất liền xa xôi đến với đảo. "Tôi run tay run chân tối mặt tối mày mấy năm nay. Mong bác sĩ cứu chữa cho tôi", cụ ông đứng trước khu vực bàn phát thuốc, nói vọng vào.
Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Trọng Ánh, nguyên Giám đốc Bệnh viện 1A chia sẻ, cách đây hơn 1 năm, ông đã rất trăn trở khi nhận thấy có nhiều bệnh nhân từ huyện đảo Phú Quý phải di chuyển quãng đường dài vào tận TPHCM, đến bệnh viện thay khớp háng, cùng nhiều vấn đề về xương khớp nặng khác.
Chương trình có nhiều hoạt động như khám chữa bệnh miễn phí, phát thuốc, tặng quà cho khoảng 250 người dân (Ảnh: Hoàng Lê).
Do đó, ông đã tìm cách liên lạc với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận để mong được kết nối, triển khai hỗ trợ y tế cho bà con Phú Quý ngay tại quê hương mình. Nhờ sự tạo điều kiện của địa phương, chương trình nhanh chóng được thực hiện lần đầu từ năm 2023.
"Chương trình lần này có nhiều hoạt động như khám chữa bệnh miễn phí, phát thuốc, tặng quà cho khoảng 250 người dân. Chúng tôi mong muốn được lan tỏa yêu thương, hy vọng góp một phần sức lực vào công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân huyện", bác sĩ Ánh bày tỏ.
Những bệnh nhân ngồi xe tự chế đợi bác sĩ Thành phố
Ngay khi buổi khám bệnh bắt đầu, trước sân trung tâm y tế có rất nhiều người đàn ông đứng chờ. Điểm chung của họ, là đều có một chiếc xe ba bánh tự chế.
Chú Đặng Dậu (55 tuổi) kể, 30 năm qua đã bị liệt phần dưới người, kèm tình trạng đau xương khớp. Đó là hậu quả của quá trình sinh kế giữa đại dương.
"Hồi còn trẻ tôi sống bằng nghề biển, thường xuyên lặn bắt hải sản ở độ sâu 18-20m. Trong một lần lặn, tôi vừa leo lên tàu thì khụyu 2 chân xuống, đứng không vững, được bạn thuyền đưa đi cấp cứu khi vào bờ. Bác sĩ nói do áp lực nước làm tôi ép tim, bị tai biến. Mấy chục năm qua, tôi chạy chữa nhiều nơi nhưng vẫn vậy.
Để di chuyển, tôi phải tự chế chiếc xe, gắn bình, kèn, thay hết bánh xe, đèn trên xe máy... Tôi còn có 2 con bị tâm thần, hoàn cảnh giờ rất khó khăn không còn đủ khả năng chạy chữa. Chỉ mong phước chủ may thầy, bác sĩ cứu chữa được", người đàn ông ngậm ngùi.
Tương tự, anh Tạ Thanh Dũng (44 tuổi) đã sống trong cảnh nửa thân dưới gần như liệt, đến nỗi đứng, ngồi cũng khó khăn. Để từ chiếc xe 3 bánh bước lên giường bệnh đặt ngay tại sân, anh cũng cần có nhân viên y tế dìu. 27 năm qua từ khi bệnh "hiểm" ập đến, cuộc đời người đàn ông chuyển sang một ngã rẽ khác.
Trực tiếp thăm khám, bác sĩ Đỗ Trọng Ánh nhận định, bệnh nhân đã bị liệt tủy vì tai biến khi đi lặn biển. Dù tình trạng tương đối nặng, nhưng anh Dũng vẫn còn trẻ và chân còn di chuyển được, nên có thể hy vọng vào sự phục hồi. Do đó, vị bác sĩ Bệnh viện 1A đề nghị anh Dũng sắp xếp thời gian vào TPHCM, để được nơi này tìm mọi cách hỗ trợ điều trị hoàn toàn miễn phí.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Ngọc Phúc, khoa Phẫu thuật chỉnh hình, Bệnh viện 1A chia sẻ, theo thống kê, mỗi năm tại Hoa Kỳ có hơn 1.000 người bị các loại bệnh, tai biến liên quan đến nghề thợ lặn, với hơn 10% tử vong. Nhiều bệnh nhân để lại di chứng nặng nề khi không điều trị kịp thời.
Bác sĩ Đỗ Trọng Ánh kiểm tra tình trạng của những trường hợp làm nghề lặn biển bị biến chứng (Ảnh: Hoàng Lê).
Trong đó, tình trạng khá thường gặp là bệnh "giảm áp". Bác sĩ Phúc phân tích, khi người lặn biển lên khỏi mặt nước, áp suất giảm đột ngột làm giải phóng các bóng khí nitơ gây tắc mạch. Tình trạng tắc mạch có thể gặp ở não gây hôn mê dẫn đến tử vong, còn nếu gặp ở tim sẽ gây nhồi máu cơ tim. Với những bệnh nhân liệt tủy, nguyên nhân là do tắc mạch ở tủy sống.
Bệnh nhân khi bị "giảm áp" cần điều trị cấp cứu ngay lập tức, bằng cách đưa họ đến nơi áp suất cao, sử dụng liệu pháp oxy cao áp... Tuy nhiên, do điều kiện trên đảo khó khăn nên thường không được điều trị kịp thời, đúng cách. Ở giai đoạn muộn, điều trị phục hồi chức năng cho bệnh nhân là quan trọng nhất.
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân nên khám sức khỏe định kỳ, trang bị bảo hộ, trang thiết bị cấp cứu khi đi lặn biển... Ngoài ra, thợ lặn cần được huấn luyện lặn đúng kỹ thuật, khi có biểu hiện bệnh do lặn cần được đưa đến cơ sở có oxy cao áp càng sớm càng tốt.
Tủ thuốc nhỏ, ý nghĩa lớn
Ngoài khám chữa bệnh miễn phí, trao học bổng cho 30 em học sinh nghèo vượt khó (mỗi suất 1 triệu đồng), đoàn đã tặng 2 tủ thuốc sơ cứu cho 2 trạm Rađar làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh, chủ quyền biển đảo Tổ quốc, đóng tại các khu vực xung quanh đảo Phú Quý.
Mỗi thùng thuốc có các loại thuốc chữa những bệnh cơ bản như đau bụng, dạ dày, cảm sốt, hay các vật tư để xử lý vết thương. Nhận món quà này, nhiều người lính đảo xa không khỏi vui mừng, xúc động.
Một cán bộ chia sẻ, nơi anh đang công tác gần như biệt lập với bên ngoài, chỉ có vài hộ dân sinh sống, nhưng đến chiều là trở về đảo lớn và đất liền. Vì không có bệnh viện và bác sĩ, vấn đề chăm sóc sức khỏe cho anh em tại đây gặp nhiều khó khăn. Khi có đồng chí gặp chấn thương trong đêm tối sẽ gặp bất lợi, bị chậm trễ thời gian sơ cứu.
Kế đến, muỗi trên cũng đảo rất nhiều, là mầm mống gây bệnh sốt xuất huyết. Một vấn đề khác là việc nguồn nước ngọt chủ yếu ở đảo là nước mưa, nên đôi khi không đảm bảo an toàn, dẫn đến tình trạng uống vào bị đau bụng. Ngoài ra, trên đảo có mùa gió nên sẽ có lúc các cán bộ bị choáng, sốt...
Đoàn công tác đã tặng tủ thuốc và dọn rác biển tại các trạm Radar đóng tại khu vực huyện đảo Phú Quý (Ảnh: Hoàng Lê).
"Ca nô chúng tôi có sẵn, nhưng để trên bãi cát nên lại không đưa ra ngay được, nhất là khi trời tối. Cách đây 5-6 năm, đã có một trường hợp anh em đột tử vì bệnh tim mà chúng tôi không thể lường trước. Có người do lao động, thể thao gặp chấn thương, trên đảo chưa thể chăm sóc chuyên sâu, chịu đau rất nhiều.
Anh em khi vào đất liền cũng thường tự mua thuốc mang ra dùng. Do đó, có tủ thuốc này thật sự rất cần thiết", nam cán bộ tâm sự.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, bác sĩ Dương Tín Phúc, Giám đốc Trung tâm Y tế quân dân y huyện Phú Quý chia sẻ, địa phương hiện có gần 30.000 dân, không kể các đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn và ngư dân các tỉnh đến đánh bắt hải sản trên vùng biển địa phương. Do diện tích hẹp, dân số ít nên Phú Quý quản lý dịch bệnh, các chương trình y tế quốc gia khá tốt.
Tuy nhiên, cũng như nhiều nơi khác, các bệnh không lây nhiễm ở Phú Quý (như bệnh tim mạch và chuyển hóa như tăng huyết áp, đái tháo đường, gout)… ngày càng phổ biến.
Trung tâm Y tế quân dân y huyện Phú Quý là mô hình kết hợp quân dân y tuyến huyện đầu tiên của cả nước, với thế mạnh là công tác hồi sức cấp cứu, ngoại tổng quát, sản phụ khoa… nên đã giải quyết được hầu hết các trường hợp cấp cứu, phẫu thuật tại chỗ, như khâu gan, cắt lách, nối ruột, cắt tử cung cấp cứu trong mổ sinh.
Tuy nhiên, do thiếu nhân lực về các chuyên khoa sâu như Thần kinh - Sọ não, Chấn thương chỉnh hình, Tim mạch, Nội tiết… và thiếu phương tiện chẩn đoán, nên trong một số bệnh nặng, Trung tâm phải chuyển người dân vào tuyến trên ở đất liền.
Cũng theo bác sĩ Dương Tín Phúc, vào tháng 4/2023, đoàn khám chữa bệnh từ thiện của Bệnh viện 1A đã tầm soát và giới thiệu một số trường hợp đến TPHCM điều trị bệnh xương khớp, nhưng số lượng không nhiều.
Do đó, ông hy vọng chương trình "Lan tỏa yêu thương" lần này có thể giúp ích tốt nhất, để bệnh nhân cơ xương khớp, người bị tàn phế do hội chứng giảm áp sau lặn biển của huyện đảo sẽ được điều trị thành công hoặc giảm nhẹ di chứng.