Món tiết canh gây ra 70% ca mắc liên cầu lợn
(Dân trí) - Tiến sĩ Trương Đình Bắc, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 82 ca mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn, trong đó 10 người tử vong. Riêng Hà Nội cũng ghi nhận 17 ca mắc, 2 tử vong. Căn bệnh này diễn biến nặng, chi phí điều trị tốn hàng trăm triệu mỗi ca nhưng nhiều trường hợp vẫn không thể qua khỏi.
Đổ đống tiền điều trị chưa chắc khỏi
Cũng theo thống kê này, khoảng 70% trong số bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn là do ăn tiết canh. Các ca mắc còn lại do ăn nem chạo sống, do tiếp xúc, giết mổ lợn bệnh. Một điều tra dịch tễ học của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trước đó cũng cho thấy, gần 70% bệnh nhân liên cầu lợn có giết mổ, ăn thịt lợn tái, tiết canh.
Tiến sĩ Bắc khuyến cáo, bệnh liên cầu lợn xảy ra rải rác quanh năm, nhưng thường vào những tháng gần cuối năm bệnh có xu hướng gia tăng. Bởi những tháng cuối năm, nhiều gia đình mổ lợn để ăn Tết và nhiều nơi có tập tục ăn bát tiết canh cuối năm cho đỏ. Vì thế, số ca mắc liên cầu lợn thường tăng lên ở thời điểm này.
Tại miền Bắc, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương là nơi tiếp nhận nhiều nhất bệnh nhân mắc liên cầu lợn.
Mới đây nhất, hôm 18/11, BV tiếp nhận bệnh nhân Đ.V.T (32 tuổi, Hà Nội) trong tình trạng nguy kịch, toàn thân nổi ban hoại tử và phải đặt máy thở, dùng thuốc vận mạch, trợ tim và truyền máu ngay.
BS Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu cho biết, bệnh nhân này được chẩn đoán nhiễm trùng huyết có sốc nhiễm trùng nặng, suy gan, suy thận và chảy máu dạ dày. Đến nay, trải qua 14 ngày điều trị, bệnh nhân vẫn trong tình trạng hết sức nguy kịch do suy thận chưa phục hồi, bệnh nhân vẫn phải lọc máu liên tục với chi phí điều trị lên tới hàng trăm triệu đồng.
“Một bệnh nhân bị liên cầu khuẩn lợn thể viêm màng não mủ phải nằm viện điều trị ít nhất là 3 tuần, có những bệnh nhân nhiễn khuẩn huyết phải điều trị đến 2 tháng, với chi phí hàng trăm triệu, tùy thuộc di chứng có trầm trọng hay không trầm trọng. Có những bệnh nhân vì quá nặng mà không thể qua khỏi”, BS Cấp cho biết.
Thêm một điểm cần lưu ý là đã từng bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn, người bệnh vẫn hoàn toàn có thể mắc lại lần sau. Vì căn bệnh này giống như nhiễm trùng liên cầu bình thường, không để lại miễn dịch lâu dài
Không có lợn “sạch” miễn nhiễm liên cầu
TS Cấp cũng phủ nhận quan điểm cho rằng lợn gia đình nuôi, lợn mường thả rông là lợn sạch và có thể ăn tiết canh. Bởi bất kể giống lợn nào, nuôi nấng ra sao thì vẫn có nguy cơ nhiễm liên cầu lợn. Bởi thông thường, vi khuẩn liên cầu thường cu trú ở vùng họng con lợn mà không gây bệnh (lợn lành mang trùng) và gây bệnh ở những con lợn yếu. Với lợn nhiễm liên cầu (cả lợn lành mang trùng và lợn bệnh) trong máu (tiết) và thịt lợn sẽ chứa một lượng lớn vi khuẩn (có khả năng sống được 10 phút ở nhiệt độ 60oC).
Khi thực phẩm đó không được nấu chín kỹ (tiết canh, nem chua, nem chạo…), những người ăn sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Ngoài ra, trong quá trình chế biến, tiếp xúc trực tiếp (vệ sinh chuồng trại, giết mổ) cũng có thể lây nếu có các vết xước chân, tay (ở nhiệt độ 25oC, khuẩn này sẽ sống được 24 giờ trong bụi và 8 ngày trong phân).
Thời gian ủ bệnh của liên cầu lợn có thể vài tiếng đến 4 - 5 ngày, tùy cơ địa mỗi người. Khi nhiễm liên cầu lợn, người bệnh có biểu hiện sốt nóng, sốt lạnh, đi ngoài (nhưng không đi nhiều lần) khiến nhiều người lầm tưởng với các rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thông thường. Người bệnh cũng có biểu hiện tri giác lơ mơ, li bì hôn mê, bệnh nhân sốc tụt huyết áp, xuất hiện các ban hoại tử trên da do nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ vì liên cầu lợn.
“Khi nhiễm liên cầu khuẩn lợn, bệnh sẽ diễn biến cực kỳ nhanh chóng, suy đa phủ tạng. Nếu đến muộn thì cơ hội cứu chữa rất thấp”, BS Cấp nói.
BS Cấp khuyến cáo người dân không nên chủ quan vì bệnh có thể gây tử vong nếu điều trị muộn. Tỷ lệ tử vong do nhiễm liên cầu lợn là khoảng 7%, nếu bệnh nhân được cứu sống, tỷ lệ di chứng cũng rất cao, khoảng 40%. Vì thế, để phòng liên cầu lợn, người dân người dân không ăn tiết canh, nội tạng lợn, và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín (lòng, tim, gan, thận chần tái, thịt tái, nem chua, nem chạo…); không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề…
Hồng Hải