Mời tiến sĩ vật lý vào bệnh viện điều trị tay chân miệng là… không đúng!
Đưa một người không có kiến thức y học, không có giấy phép hành nghề bác sĩ, sử dụng một hoá chất chưa qua quy trình thử nghiệm lâm sàng là những việc làm sai trái về mặt khoa học và vi phạm đạo đức trong y học.
Việc điều trị bằng dung dịch mới của TS Nguyễn Văn Khải cho kết quả khả quan nhưng chưa được cơ quan y tế nào công nhận...
Nhưng sở Y tế Ninh Thuận lại làm một việc rất… không đúng là mời một tiến sĩ vật lý vào bệnh viện điều trị cho các cháu mắc bệnh tay chân miệng. Đưa một người không có kiến thức y học, không có giấy phép hành nghề bác sĩ, sử dụng một hoá chất chưa qua quy trình thử nghiệm lâm sàng là những việc làm sai trái về mặt khoa học và vi phạm đạo đức trong y học.
Điều thứ nhất là về khoa học: bệnh tay chân miệng hiện nay đã biết là do virút gây ra (đa số do Enterovirus E 71). Bệnh xảy ra là do tương tác giữa tác nhân gây bệnh, cơ thể con người và dưới tác động của môi trường theo một cơ chế phức tạp. Hiện nay, tuy chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng cơ chế bệnh sinh của bệnh tay chân miệng đã được hiểu khá rõ: bệnh nhân tử vong không phải do những bọng nước ngoài da hay trong niêm mạc, mà do tác động của virút xâm nhập vào tế bào hệ thần kinh trung ương, những hệ quả của chúng gây ra qua những chuỗi phản ứng của cơ thể ở phổi, tim... Nếu gọi bệnh tay chân miệng hiện nay là viêm nhiễm do lở loét như vị tiến sĩ kia thì nên đóng cửa các trường đại học y khoa!
Kế tiếp về đạo đức y học: thuốc điều trị cần tác động vào virút phải ngăn chặn được sự phát triển của chúng hay điều chỉnh được những phản ứng quá mức của cơ thể. Thuốc, nếu có, phải được đưa đi khắp cơ thể vào trong máu đến tận tế bào. Vì vậy, một chất muốn được gọi là thuốc thì nó phải qua một quy trình thử nghiệm trong phòng xét nghiệm, trên súc vật và qua các giai đoạn trong cơ thể con người để xác định độ an toàn và tác dụng, liều lượng, đường dùng của chất đó theo những quy định nghiêm ngặt được quốc tế công nhận. Từ những kinh nghiệm đau thương trong quá khứ, nhất là trong chiến tranh thế giới lần hai về thử nghiệm trên con người, mà cộng đồng quốc tế đã hình thành những quy định gọi là “Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học” và những cơ quan giám sát các hoạt động như thế như hội đồng đạo đức, cơ quan quản lý thuốc... Tất cả những gì được gọi là thuốc phải qua những quy trình xem xét và thử nghiệm như vậy. Việc một cá nhân sử dụng, một cơ quan cho phép sử dụng một dung dịch hoá chất như nước Anolyt (?) trên bệnh nhân trong bệnh viện chưa qua thử nghiệm lâm sàng, là một hành động thiếu khoa học và thiếu đạo đức.
Rải rác trên các phương tiện truyền thông có ý kiến ca ngợi sự nhiệt tình cũng như bênh vực hành động này, chẳng hạn cho là vì chưa có thuốc đặc trị, vì bệnh nhân phải nằm chờ chết nên làm được gì thì làm. Nên nhớ rằng chỉ có khoảng 5% bệnh nhân tay chân miệng có biến chứng nặng còn đa số là tự khỏi. Hiện nay tỷ lệ tử vong chung khoảng 0,2%. Không phải bệnh nào chưa có thuốc điều trị thì sử dụng thứ gì điều trị cũng được như bệnh ung thư… vì như đã trình bày trên, muốn gọi là thuốc thì phải qua thử nghiệm lâm sàng.
Một bài học không thể quên là trường hợp của Thalidomide, một loại thuốc an thần giảm đau được cho là thần dược, dù đã được sản xuất theo quy trình khá hoàn chỉnh vào năm 1957, chỉ bốn năm sau khi được đưa ra thị trường đã gây ra 20.000 dị tật bẩm sinh trên thế giới (do thai phụ sử dụng trong thời gian mang thai). Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu dung dịch Anolyt gây ra một tác hại nào đó cho các cháu?
Trong nước, chúng ta cũng có quá nhiều kinh nghiệm về những chuyện tương tự, từ niệu liệu pháp trong thập niên 80 của thế kỷ trước ở TPHCM, vườn điều trị bá bệnh ở Long An cho đến nước thần chữa muôn bệnh, đều gây nhiều tổn hại cho người bệnh.
Theo Trần Tịnh Hiền
Sài Gòn tiếp thị