Bệnh viện Bạch Mai:
Mỗi ngày thêm 20 bệnh nhân suy thận mới
(Dân trí) - Mặc dù mỗi ngày có 20 bệnh nhân suy thận mới, số bệnh nhân suy thận phải điều trị thay thế chiếm 50% nhưng suốt hơn 10 năm qua, chỉ có hơn 100 trường hợp ghép thận thành công tại bệnh viện Bạch Mai.
Chia sẻ tại buổi lễ tôn vinh người hiến tạng tại BV Bạch Mai, PGS.TS Đỗ Gia Tuyển, Trưởng khoa Thận – Tiết niệu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, đã có 107 trường hợp được ghép thận từ năm 2005 đến nay tại BV Bạch Mai. Trong đó, chỉ có 1 bệnh nhân bị thải ghép (do chỉ số cho – nhận không hoàn toàn phù hợp nhưng người nhà vẫn mong mỏi được ghép), 1 trường hợp đột tử không do ghép, 1 trường hợp viêm gan cấp và tử vong vì căn bệnh này.
Còn trường hợp ghép thận đầu tiên hiện đi Nga xuất khẩu lao động, vẫn sống khỏe mạnh; 1 nữ bệnh nhân từng chạy thận tới 12 năm đã lấy chồng, sinh con rất khỏe mạnh sau khi ghép, 1 trường hợp ghép thận khác cũng đã lấy chồng sinh con.
Tuy nhiên, tại Khoa Thận – nhân tạo BV Bạch Mai có đến 600 bệnh nhân chạy thận chu kỳ. Số bệnh nhân suy thận phải điều trị thay thế chiếm đến 50%. Chưa kể, tại khoa Thận tiết niệu, mỗi ngày có thêm 20 bệnh nhân suy thận mới được phát hiện.
Theo TS Tuyển, ước mơ của mọi bệnh nhân suy thận là mong muốn được ghép thận. Bởi chỉ có ghép thận, người bệnh có được cuộc sống khỏe mạnh với việc uống thuốc chống thải ghép hàng ngày tại nhà.
Trên thế giới, ca ghép thận sống lâu nhất mà TS Tuyển được chứng kiến tại hội nghị là 41 tuổi.
Quá nửa nguồn thận hiến là cùng huyết thống
Trong số các ghép thận tại Bệnh viện Bạch Mai, quá nửa là cùng huyết thống, rất ít có nguồn cho chết não.
Như trường hợp anh Đàm Đức Hùng (Văn Giang, Hưng Yên), người đã tặng con gái 1 quả thận sau khi đồng hành cùng con mỗi ngày 6-7 tiếng lọc máu, cách ngày lại lọc 1 lần, trong suốt 7 tháng.
Được ghép quả thận của cha từ năm 2014, đến nay, Q. không còn phải tới bệnh viện 3 lần/tuần mà chỉ uống thuốc thải ghép tại nhà. Q. lên được đến 5kg và đã đi học trung cấp dược. Những ngày không phải đi làm, Q. còn giúp mẹ chợ búa, cơm nước. “Con khỏe mạnh như bạn bè khác”, anh Hùng vui mừng chia sẻ.
Trước đó, sau kỳ thi đại học 2013, anh Hùng đã đưa con đi khám vì mắt nhìn mờ. Các bác sĩ phát hiện huyết áp của con anh rất cao nên đã yêu cầu chuyển qua BV Bạch Mai khám.
“Khi bác sĩ nói con suy thận độ 3, phải lọc máu định kỳ. Tôi ngỡ ngàng. Con bé không có biểu hiện gì đặc biệt. Ngày nhận giấy báo đỗ cao đẳng sư phạm Hưng Yên là ngày con đang nằm lọc máu 4 tiếng trên giường bệnh. Sau lọc nó còn khỏe khoắn tí, nhưng đến ngày hôm sau là người mệt yếu, quét nhà cũng không nổi”, anh Hùng nhớ lại.
Bà Lã Thị Lý cũng là người mẹ đã hiến tặng con trai một quả thận khi con trai bà mới chỉ 25 tuổi.
Thời điểm đó, các bác sĩ phát hiện con trai bà suy thận giai đoạn 3 khi mới đi xuất khẩu lao động được 1 năm tròn.
Khi trở về Việt Nam, bà đưa con đến Bạch Mai, vừa chạy thận 3 lần/tuần, vừa điều trị giảm mỡ máu để có thể nhận thận của mẹ. Và sau thời điểm ghép thận thành công (9/2012), từ 1 thanh niên mà chỉ nặng 50kg, sau ghép thận 2 tháng đã lên 60 cân, mạnh khỏe và đã 4 năm nay con bà Lý đi làm công nhân và đang có kế hoạch cưới vợ.
Xin mượn lời của TS. Tuyển để thay cho lời kết: "Khi có nguồn hiến tạng nhiều hơn, cơ hội sống một cuộc sống với chất lượng tốt hơn sẽ đến với những bệnh nhân suy thận".
Hồng Hải