1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Mỗi năm Việt Nam có đến 170.000 ca mắc lao mới

Nam Phương

(Dân trí) - Cuộc chiến với bệnh lao tại Việt Nam còn nhiều thách thức. 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình phải đối mặt với những chi phí thảm họa.

Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Ước tính tại Việt Nam mỗi năm có 170.000 ca mắc mới (báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2020). Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa - nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. 

Tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, có nghĩa là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện và hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo trong cộng đồng.

Mỗi năm Việt Nam có đến 170.000 ca mắc lao mới - 1
Nhiều người bệnh đối mặt với chi phí y tế thảm họa khi được chẩn đoán mắc lao.

Riêng tại Hà Nội, năm 2019, gần 4.500 trường hợp mắc lao đã được báo cáo từ các Tổ chống lao, Bệnh viện Phổi Hà Nội, các hoạt động kết hợp y tế công tư và các chương trình khác (như trung tâm giáo dục thường xuyên, trại giam, nhà tù). Hà Nội cũng thu nhận điều trị lao kháng thuốc với 223 bệnh nhân, chuyển về quản lý tại cộng đồng, cơ sở điều trị tập trung. Hoạt động này được triển khai từ năm 2011, với mô hình quản lý điều trị từ tuyến tỉnh và giám sát điều trị trực tiếp tại tuyến xã phường 

Thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống bệnh lao đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030, Hà Nội đặt ra mục tiêu giảm nhanh tỷ lệ mắc bệnh mới, giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống < 50 người/100.000 dân. Đồng thời giảm tỷ lệ tử vong do lao xuống dưới 5 người trên 100.000 người dân; giảm tối đa nguy cơ phát sinh tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn lao, khống chế số người mắc bệnh lao đa kháng thuốc với tỷ lệ dưới 5% trong tổng số người bệnh lao mới phát hiện. Hà Nội hướng tới mục tiêu để người dân Hà Nội được sống trong môi trường không còn bệnh lao. 

20.000 người mắc lao chưa có thẻ bảo hiểm y tế

Việt Nam vẫn có trên 20.000 người mắc lao chưa có thẻ bảo hiểm y tế dù đã có sự hỗ trợ của Nhà nước. Kinh phí đồng chi trả của người có thẻ theo luật Bảo hiểm y tế cũng là gánh nặng lớn đối với những người nghèo và cận nghèo, đối tượng chiếm tỷ lệ cao trong số những người mắc lao.

Rào cản về kinh tế khiến cho người bệnh không tuân thủ được theo phác đồ dẫn đến bỏ điều trị và nguy cơ kháng thuốc cao. Có nhiều trường hợp vì sợ phát hiện ra bệnh, phải đối diện với bài toán chi phí nên giấu bệnh, làm nguồn lây kéo dài. Người nghèo có nguy cơ mắc lao cao hơn 2,5 lần và họ không đủ điều kiện để chữa khỏi bệnh hoàn toàn. 

Năm 2020 chủ đề ngày Thế giới phòng chống lao là "Biến hiểm họa Covid -19 thành cơ hội để Việt Nam chấm dứt bệnh lao". Tiếp nối mạch này, chủ đề năm 2021 là "Việt Nam Chiến thắng Covid - Chấm dứt bệnh Lao".

Nhân ngày thế giới phòng chống bệnh Lao, Chương trình Chống lao Quốc gia và "Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao - PASTB" đã đẩy mạnh tuyên truyền ủng hộ quỹ vì người bệnh lao thông qua việc soạn tin nhắn với cú pháp TB gửi 1402. Mỗi tin nhắn người gửi đã ủng hộ 20.000 đồng. Thời gian bắt đầu từ 00h00 ngày 22/3 đến 24h00 ngày 21/5. 

Việt Nam đề ra mục tiêu đến năm 2030 giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 20/100.000 người dân và giảm số người chết do bệnh lao, để người dân Việt Nam được sống trong môi trường không còn bệnh lao.