1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Mỗi năm, hơn 120.000 người Việt tử vong vì ung thư

Hồng Hải

(Dân trí) - Việt Nam đứng thứ 101/185 quốc gia và vùng lãnh thổ về tỷ suất mắc ung thư mới, với tỷ lệ 150,8 ca/100.000 dân.

Ngày 31/10, tại Hội thảo "Điều trị đa mô thức bệnh ung thư và quản lý bệnh viện trong kỷ nguyên số - Cập nhật ASCO 2024", do Bệnh viện K và Hội Ung thư Việt Nam tổ chức, PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện K, cho biết, năm 2022, Việt Nam có khoảng 180.480 ca ung thư mới và 120.184 ca tử vong.

Số ca ung thư mắc mới ở nam giới là hơn 95.300 ca, trong đó 3 loại ung thư phổ biến nhất là ung thư gan, phổi, dạ dày; nữ giới có 85.100 ca mắc mới, phổ biến nhất là ung thư vú, phổi, trực tràng.

Tại sự kiện, GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho biết, điều trị ung thư đa mô thức là sự kết hợp nhiều phương pháp nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát ung thư.

Hiện nay, việc tầm soát, điều trị bệnh ung thư tại Việt Nam đã có nhiều bước phát triển, các thuốc mới, phương pháp điều trị mới đã được cập nhật thường xuyên.

Mỗi năm, hơn 120.000 người Việt tử vong vì ung thư - 1

GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K (Ảnh: T.H).

Ba phương pháp điều trị kinh điển (phẫu thuật, xạ trị, hóa trị) ngày càng tỏ rõ tầm quan trọng không thể thiếu trong điều trị bệnh ung thư.

"Hội thảo lần này với sự tham gia của hơn 1.300 chuyên gia trong và ngoài nước là cơ hội để kết nối các chuyên gia chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, cùng nhau cập nhật những kiến thức mới nhất về điều trị đa mô thức, góp phần thúc đẩy trình độ chuyên môn", GS Quảng nói.

Theo đó, nhiều chuyên đề được thảo luận trong hội thảo, như: Cập nhật những tiến bộ trong chẩn đoán điều trị chuyên ngành Xạ trị, Y học hạt nhân, Vật lý y khoa; Quản lý bệnh viện trong kỷ nguyên số; Xạ trị trong điều trị đa mô thức ung thư vú, phụ khoa, tiêu hóa; Xạ trị trong điều trị đa mô thức ung thư đầu cổ, ung thư lồng ngực...

Theo chuyên gia này, ung thư đang trở thành gánh nặng lớn tại các quốc gia trên thế giới, đặc biệt với các nước nghèo, các nước đang phát triển.

Công tác phòng chống ung thư hiện nay vẫn là một thách thức lớn đối với nền y học trên thế giới, không những đòi hỏi kiến thức, kỹ thuật chuyên môn hiện đại, cập nhật của các y bác sĩ, mà còn đòi hỏi sự nỗ lực của bản thân người bệnh, gia đình, sự hỗ trợ tích cực từ xã hội, cộng đồng.

Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền cho người dân về phòng chống ung thư, khám sàng lọc phát hiện sớm ung thư, ung thư biết sớm trị lành.

Mỗi năm, hơn 120.000 người Việt tử vong vì ung thư - 2

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại hội nghị (Ảnh: T.H).

Thứ trưởng cũng đề nghị các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền kêu gọi người dân tiếp tục chủ động, tích cực tham gia BHYT để tiến tới BHYT toàn dân bởi đây là cứu cánh cho người dân nếu không may mắc bệnh, đặc biệt là bệnh ung thư.

Bên cạnh đó, các bệnh viện cần tăng cường triển khai hình thức đào tạo, chuyển giao kỹ thuật theo gói dịch vụ cũng như việc tiếp tục duy trì, hỗ trợ các kỹ thuật đã được chuyển giao tránh đào tạo dàn trải; đổi mới tinh thần thái độ phục vụ hướng đến sự hài lòng của người bệnh, nâng cao chất lượng bệnh viện...

"Đặc biệt, Bệnh viện K ngoài trách nhiệm là bệnh viện hạt nhân cần chú trọng đến việc phối hợp với Sở Y tế, bệnh viện các tỉnh xây dựng các cơ chế tài chính, thu hút người dân đến khám chữa bệnh, giảm tải cho các bệnh viện trung ương, người dân được hưởng các dịch vụ y tế tốt, chuyên môn cao ngay tại chính địa phương.

Điều này vừa góp phần giảm bớt chi phí điều trị, giảm gánh nặng bệnh tật, tạo lòng tin và an tâm điều trị cho người bệnh; thu hút người Việt chữa bệnh tại Việt Nam không đi ra nước ngoài chữa bệnh, cũng như thu hút người nước ngoài đến khám và điều trị bệnh ung bướu tại Việt Nam", Thứ trưởng Thuấn nhấn mạnh.