“Mọc sừng” do dán mắt vào điện thoại có nguy hiểm không?
(Dân trí) - Ngay lúc này có thể bạn đang cúi đầu xem điện thoại và lo lắng về một báo cáo gần đây cho biết nhiều người trẻ đang bị “mọc sừng” trên xương sọ do dành quá nhiều thời gian xem điện thoại.
Đúng là điện thoại di động đang khiến chúng ta trở nên thô lỗ và thiếu tập trung, nhưng các chuyên gia y tế không hoàn toàn đồng ý với ý tưởng rằng công nghệ cũng đang khiến bộ xương của chúng ta bị méo mó.
Khu vực gây lo ngại là phía sau hộp sọ, nơi tiếp giáp với cổ, một vị trí vốn đã có chỗ xương nhô ra mà bạn có thể dễ dàng sờ thấy. Hai nhà nghiên cứu Australia cho biết họ đã tìm thấy những chỗ lồi ra, hay gai xương, ở khu vực đó, với chiều dài khoảng từ 0,8cm – 2,5cm.
Các bài viết gần đây trên BBC và Washington Post đã trích dẫn một nghiên cứu năm 2018 trên tạp chí Scientific Reports nói rằng những gai xương này đã trở nên phổ biến hơn ở những người từ 18 đến 30 tuổi. Nghiên cứu gợi ý rằng tư thế bất thường kéo dài liên quan đến sự xuất hiện và việc sử dụng rộng rãi các thiết bị công nghệ hiện đại cầm tay, chẳng hạn như điện thoại thông minh và máy tính bảng, là thủ phạm. Các tác giả nghiên cứu gồm một chuyên gia về chỉnh hình, David Shahar, và giảng viên về cơ sinh học, Mark G.L. Sayers, cả hai đều đến từ Đại học Sunshine Coast ở Queensland, Australia.
Các chuyên gia đã đưa ra những nhận xét khác nhau báo cáo này, lưu ý rằng nghiên cứu này dựa trên việc xem lại các phim X quang được chụp trong quá khứ, thiếu nhóm đối chứng và không thể chứng minh quan hệ nhân quả. Ngoài ra, các đối tượng là những người đã có vấn đề ở vùng cổ phải đến phòng khám cột sống và yêu cầu chụp X-quang, vì vậy không rõ kết quả có ý nghĩa gì với những người bình thường.
Đồng thời, người ta cũng biết rằng những người thường xuyên phải cùi đầu về phía trước dễ phát triển các vấn đề về cổ và lưng gây ra cứng, đau và nhức đầu.
Những người cả ngày cúi đầu trên máy tính xách tay hoặc điện thoại đôi khi gọi kiểu đau này là “bệnh cổ do công nghệ” hay “bệnh cổ do đánh máy”.
Về mặt lý thuyết, việc cúi đầu về phía trước trong thời gian dài có thể khiến cho gai xương hình thành, Evan Johnson, phó giáo sư và là giám đốc vật lý trị liệu tại Bệnh viện cột sống OY NewYork-Presbyterian nói. Ở vị trí này, dây chằng giúp giữ đầu kéo vào hộp sọ, và xương sẽ thích nghi bằng cách hình thành một cục nhỏ nhô ra.
Vậy bản thân gai xương này có phải là vấn đề lớn không?. Thực tế là bạn đã có một chỗ xương lồi ra nhỏ ở hộp sọ và không gặp vấn đề gì.
Phát hiện đáng lo ngại hơn từ nghiên cứu này, nhìn từ các góc đo trên phim chụp X-quang, là cổ của một số đối tượng đã hình thành tư thế cúi bất thường.
Nếu công nghệ gây ra sự thay đổi tư thế này trong dân cư, thì đó là điều không hề nhỏ. Chúng ta có thể thấy những thay đổi về khớp ngày càng nhiều hơn và trẻ hơn ở cổ, cùng với đó là thoái hóa đĩa đệm và căng hơn ở cổ.
David Putrino, giám đốc đổi mới phục hồi chức năng tại Mount Sinai Health, cho biết mối liên hệ giữa cúi cổ và gai xươ]ng có vẻ có thật. Và ông nói rằng xương đang phát triển ở thanh thiếu niên dễ thay đổi hình dạng hoặc hình thành các gai xương để đáp ứng với lực tăng lên hơn người trưởng thành.
“Nhưng tôi không nghĩ là đã đến lúc đổ lỗi cho việc sử dụng điện thoại di động”.
Bác sĩ David J. Langer, chủ tịch khoa phẫu thuật thần kinh tại Bệnh viện Lenox Hill ở New York, cho biết, “phát hiện này không có ý nghĩa gì nhiều đối với tôi”.
Ông nói rằng các vấn đề về đĩa đệm đã được biết là xảy ra ở những người thường xuyên phải cúi đầu để nhìn xuống, các bác sĩ phẫu thuật cũng nằm trong số đó.
“Bạn sẽ dễ bị thoái hóa đĩa đệm hoặc cong vẹo cổ hơn là một khối xương mọc ra từ hộp sọ”, bác sĩ Langer nói. “Tôi chưa nhìn thấy bất cứ cái gì trong số này, mà tôi làm việc với phim X quang rất nhiều. Tôi ghét làm một người bất đồng ý kiến với số đông, nhưng có vẻ hơi xa vời.
Đầu “mọc sừng” ư? Thôi đi nào."
Cẩm Tú
Theo NYT