Mỡ máu tăng hơn 40 lần, người đàn ông phải vào viện cấp cứu
(Dân trí) - Người đàn ông 36 tuổi (Phú Thọ) vào viện cấp cứu với biểu hiện đau bụng vùng mạn sườn trái, mệt. Kết quả xét nghiệm cho thấy mỡ máu tăng cao đến hơn 40 lần.
Kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy anh bị viêm tụy cấp, quanh tụy có dịch, chỉ số mỡ máu tăng cao (triglycerid: 95,3mmol/L, cholesterol: 22,9mmol/L). Bệnh nhân được chẩn đoán viêm tụy cấp thể tăng triglycerid.
Sau khi hội chẩn, bệnh nhân được chỉ định nhịn ăn, lọc máu liên tục, thay huyết tương. Sau 4 giờ, chỉ số triglycerid trở về mức 11,75mmol/L, bệnh nhân đỡ mệt, đỡ đau bụng. Sáng 26/6 bệnh nhân được ăn uống qua đường miệng.
BSCKI Hà Huy Mến, Trưởng khoa Cấp cứu, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê, Phú Thọ, cho biết, viêm tụy cấp có nhiều nguyên nhân, trong đó khoảng 7% là do mỡ máu. Mỡ máu tăng cao dẫn đến tắc nghẽn ở các mao mạch tụy, gây thiếu máu nuôi dưỡng mô tụy. Hậu quả là gây ra hoại tử mô và toan hóa máu, đây chính là dấu hiệu viêm tụy cấp.
Đồng thời, triglyceride tác dụng nhanh với men lipase của tụy tạo thành các axit béo tự do với nồng độ cao. Khi đó, các tế bào tuyến tụy sẽ bị nhiễm độc và hình thành các tổn thương tại chỗ gây ra viêm tụy cấp.
Viêm tụy cấp do tăng mỡ máu gặp khoảng 30-35% trong tổng số bệnh nhân viêm tụy cấp nhập viện. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng viêm tụy cấp do tăng mỡ máu thường nặng hơn và đe dọa tính mạng bệnh nhân hơn so với các nguyên nhân khác. Nếu mỡ máu của bệnh nhân không được điều trị thì nguy cơ viêm tụy cấp tái phát và tiếp đó sẽ dẫn đến viêm tụy mạn gây suy cả tuyến tụy nội tiết và ngoại tiết.
Bác sĩ khuyến cáo, mỡ máu cao không chỉ gây viêm tụy cấp mà còn gây nhiều bệnh lý tại các cơ quan khác như nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, tắc động mạch, gan nhiễm mỡ...
Do đó, mọi người cần có chế độ ăn uống khoa học, hạn chế ăn mỡ động vật, phủ tạng động vật, sữa toàn phần, bơ, thịt đỏ (thịt chó, bò, trâu..), lòng động vật, tôm. Bên cạnh đó, cần tăng cường thể dục thể thao giúp đốt cháy mỡ thừa trong cơ thể và khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh lý.
Bệnh nhân bị bệnh rối loạn chuyển hóa lipid máu nên đến khám và điều trị mỡ máu, duy trì kiểm soát mỡ máu bằng chế độ ăn, cân nặng và thuốc. Đặc biệt người trẻ mắc bệnh rối loạn chuyển hóa lipid máu mà có kèm uống rượu thì tình trạng bệnh sẽ nặng và nguy cơ rất cao xảy ra viêm tụy và các bệnh lý tim mạch chuyển hóa.