1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Miếng dán tránh thai có độc không?

Tôi muốn dùng thuốc dán tránh thai nhưng có người bảo loại thuốc này gây độc cho tim mạch. Có đúng vậy không?

Thuốc dán và thuốc uống ngừa thai thành phần đều gồm có 2 hoóc môn phối hợp, thường là chất tổng hợp, có tính chất của 2 hoóc môn sinh dục nữ progesteron (gestromin) và estrogen (ethinyl estradiol). Tác dụng ngừa thai của hai loại giống nhau là ức chế việc phóng noãn. Cũng như trong thuốc uống, hàm lượng các chất này thay đổi tùy theo từng biệt dược. Ví dụ miếng dán ortho eva có hàm lượng các hoóc môn cao hơn miếng dán eva.

 

Estrogen là nguyên nhân gây nên bệnh huyết khối nhưng hiếm gặp, thường chỉ xảy ra với loại có hàm lượng cao trên những người có nguy cơ bị bệnh tim mạch cao. Thuốc uống hay miếng dán đều có thể gây ra nguy cơ huyết khối và loại nào có hàm lượng estrogen cao thì càng dễ gây ra và người nào có nguy cơ tim mạch cao càng dễ bị hơn.

 

Tuy nhiên, một nghiên cứu cho biết nguy cơ huyết khối ở người dùng miếng dán ngừa thai ortho eva tăng gấp 2 lần so với người dùng viên thuốc uống ngừa thai thông thường. Cơ quan Quản lý Thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) và Hãng Ortho-McNeil đưa ra khuyến cáo dùng miếng dán ngừa thai ortho eva chứa norel gestromin/ethinyl estradiol làm tăng nguy cơ cục máu đông ở một số người (FDA New 20/9/2006). Trước đó FDA cũng cảnh báo việc sử dụng miếng dán này hằng ngày làm tăng thêm 60% lượng estrogen so với dùng thuốc viên ngừa thai và đó là lý do tạo ra tai biến huyết khối (FDA News 14/11/2005).

 

Các triệu chứng có thể báo trước huyết khối thường gặp là đau bắp chân, khó thở, đau tức ngực hay ho ra máu. Khi gặp các triệu chứng báo trước này cần phải ngừng thuốc và báo cáo với thầy thuốc.

 

Như vậy tai biến gây huyết khối của miếng dán là có thật nhưng cũng như với loại thuốc uống là rất hiếm khi xảy ra. Trong thực tế nhiều năm qua có nhiều chị em dùng miếng dán tránh thai nhưng chưa ghi nhận có tai biến gây huyết khối. Tuy nhiên để tránh tai biến này cần:

 

- Khám xác định xem mình có bị hoặc có nguy cơ bị bệnh tim mạch không. Nếu có không nên dùng miếng dán ngừa thai chứa 2 hoóc môn.

 

- Nhờ bác sĩ tư vấn cho dùng loại có hàm lượng thích hợp.

 

- Miếng dán có kích thước nhất định chứa một lượng hoạt chất nhất định. Chẳng hạn miếng dán ngừa thai có kích thước 4cm x 5cm có bản hướng dẫn dùng kèm theo, chỉ dùng đúng theo hướng dẫn ấy.

 

Miếng dán có ưu điểm là giải phóng ra hoạt chất từ từ nhưng ổn định, tiện dùng cho người không uống được (như có người uống thuốc viên ngừa thai hay bị nôn).

 

Như vậy nếu sau khi được thầy thuốc xác định bạn không bị bệnh hay có nguy cơ bị bệnh tim mạch cao thì bạn có thể dùng miếng dán ngừa thai. Nhưng nếu bạn bị bệnh hay có nguy cơ bị bệnh tim mạch cao thì không dùng được miếng dán và dĩ nhiên cũng không được dùng viên uống ngừa thai hỗn hợp có chứa estrogen nhất là loại có hàm lượng cao. Lúc này, bạn cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc để chọn phương pháp ngừa thai thích hợp cho mình.

 

Theo DS. Hồ Hạnh Lâm

Sức khỏe & Đời sống