1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Miếng dán ngực gây nguy cơ viêm nhiễm

Miếng dán ngực là loại “phụ kiện” giúp chị em có bộ ngực “màn hình phẳng” tự tin hơn. Nhưng việc quá lạm dụng sản phẩm cần hết sức chú ý bởi nhiều rủi ro đang rình rập sức khỏe.

Trước khi
sử dụng miếng dán ngực, chị em phải lau sạch và để khô vùng da. Ảnh minh họa
Trước khi sử dụng miếng dán ngực, chị em phải lau sạch và để khô vùng da. Ảnh minh họa

Giá rẻ, dễ dùng

Rất dễ dàng để tìm mua được miếng dán ngực với nhiều loại giá, mẫu mã khác nhau. Những người bán hàng online sẵn sàng giao hàng đi mọi nơi, mặc dù giá của các loại miếng dán khá rẻ, thường chỉ vài chục nghìn một cặp, có loại chỉ vài nghìn đồng.

Một chủ cửa hàng quảng cáo về loại miếng dán ngực có giá 70.000 đồng/1 hộp (24 miếng) như sau: “Sản phẩm độc đáo dành cho phái đẹp, tạo vẻ đầy đặn, quyến rũ cho vòng 1 chỉ trong vòng vài giây... Sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn cho người sử dụng. Lớp keo mỏng mang tính thẩm mỹ cao nhưng lại có độ dán chắc chắn. Ngoài ra, đây là loại keo dùng trong y tế và ngành thẩm mỹ nên không gây kích ứng, phù hợp với mọi loại da.

Miếng dán có thể sử dụng trong nước. Nhưng để đảm bảo độ chắc chắn, chị em nên thay thường xuyên miếng dán với khoảng thời gian nhất định. Điều này phụ thuộc vào cảm giác người sử dụng và độ to, nhỏ, săn chắc của vòng 1. Một điều đặc biệt, khi sử dụng miếng dán nâng ngực này là nó có tác dụng nâng ngực chứ không đơn giản chỉ là phương pháp thẩm mỹ tức thời. Với trường hợp ngực quá to, quá chảy xệ nên dùng thêm phương pháp hỗ trợ để đạt hiệu quả tốt nhất”.

Có lẽ chính vì những lời quảng cáo “có cánh” như trên mà miếng dán nâng ngực dùng một lần đang là sản phẩm được chị em rất ưa thích bởi độ tiện lợi và kinh tế của nó.

Một số ý kiến cho rằng, miếng dán ngực được ưa thích vì họ không cần phẫu thuật nâng ngực mà vẫn có được bề ngoài như ý. Một người so sánh: “Một cuộc phẫu thuật nâng ngực có giá trung bình khoảng 45- 75 triệu đồng. Một chiếc áo ngực nâng và độn có giá trung bình 300.000 - 400.000 đồng. Một chiếc áo ngực dán hoặc miếng dán silicon có giá khoảng 200.000 đồng. Còn miếng dán ngực dùng một lần được bán với giá dao động từ 45.000- 90.000 đồng cho cả chục miếng dán. Vậy tội gì mà đi nâng ngực”.

Cảnh giác khi dùng

Miếng dán ngực phần lớn được chế tạo bằng silicon, có độ dai, không có tác dụng thấm hút mồ hôi. Khi mồ hôi tiết ra từ cơ thể, sẽ đọng lại trên miếng dán, không thoát ra được và nó sẽ tạo ra vùng ẩm ướt cho “núi đôi” gây viêm nhiễm vòng 1. Ngoài ra, các tế bào chết trong cơ thể đào thải ra từ da không thoát ra ngoài, gặp mồ hôi là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn trú ngụ, phát triển.

Theo bác sĩ Dương Đình Hùng, Phó Chủ tịch Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TPHCM, thông thường các miếng dán silicon nâng ngực được làm bằng silicon thật hoặc là các chất giả silicon. Tuy nhiên, trong quá trình chế tạo, chúng được thêm các chất phụ gia, có thể gây dị ứng với những người có làn da nhạy cảm.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, hiện các sản phẩm làm đẹp đều có hàng nhái, hàng giả và miếng dán ngực silicon cũng không ngoại lệ. Đối với các sản phẩm chính hãng, có uy tín thì không cần băn khoăn, nhưng đối với các sản phẩm nhái thì người dùng phải xem chừng. Nhiều phụ nữ đã lạm dụng miếng dán ngực silicon quá nhiều dẫn tới tình trạng vùng da ngực bị mẩn ngứa, viêm da, viêm lỗ chân lông. Đặc biệt, đối với các chị em đang mang thai, cho con bú, miếng dán có thể gây viêm nhiễm, tắc tuyến sữa.

Miếng dán ngực thường gắn chặt vào “núi đôi”, song chúng lại có trọng lượng khá lớn so với sức chịu đựng của ngực. Vì vậy, nếu sử dụng trong thời gian dài, chúng có thể khiến “núi đôi” của chị em phát triển không bình thường. Đối với trẻ vị thành niên đang trong độ tuổi dậy thì, sự vẹo vọ vòng ngực càng dễ xảy ra hơn.

Bác sĩ Hùng cho biết thêm, mỗi miếng dán ngực thường được sử dụng nhiều lần. Tuy nhiên, không ít chị em không vệ sinh kỹ phụ kiện này, khiến các loại vi khuẩn bẩn bám vào và lúc sử dụng, núi đôi sẽ chịu ảnh hưởng không tốt, gây hại cho sức khỏe.

Trước khi sử dụng miếng dán ngực, chị em phải lau sạch, để khô vùng da. Nếu đổ mồ hôi nhiều, chị em nên thay vì mồ hôi có muối, dính vào trong lớp keo rất khó chịu khi dán lâu. Khi sử dụng không nên dán quá cao, chỉ nên dán đạt đến độ nâng ngực mong muốn cần thiết, tránh gây khó chịu cho vòng 1. Khi dán cần khéo léo vì miếng keo khá mỏng.

Theo Hoàng Phương

Báo Gia đình & Xã hội

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm