Miếng dán giúp phòng và điều trị loét do tiểu đường

(Dân trí) - Các nhà nghiên cứu thuộc Trường Y, Đại học Stanford (Mỹ) đã phát triển một loại miếng dán trên da an toàn và hiệu quả để đưa thuốc vào vết loét do bệnh tiểu đường, làm tăng khả năng liền vết thương.

Miếng dán giúp phòng và điều trị loét do tiểu đường

Trong số hơn 29 triệu người bệnh tiểu đường tuýp 1 hoặc 2 ở Mỹ, ước tính 15% trường hợp bị loét. Vết loét thường xảy ra ở bàn chân, trở thành biến chứng thứ hai dẫn đến tàn phế, tỷ lệ tái phát cao và tăng tỷ lệ tử vong.

Vết loét lâu liền do bệnh tiểu đường là nguyên nhân hàng đầu ở những trường hợp phải cắt cụt chi không do chấn thương tại nước này.

Nguyên nhân gây loét đã được chỉ ra từ nhiều năm trước. Đó là lượng đường huyết cao làm giảm khả năng cơ thể phát triển những mạch máu mới - vốn đóng vai trò thiết yếu trong quá trình liền vết thương. Nghiên cứu cũng đã chỉ ra một cách điều trị đầy tiềm năng là deferoxamine, hay DFO, một thuốc đã được FDA Mỹ cho phép dùng điều trị bệnh nhiễm sắc tố sắt mô (tình trạng sắt tích lũy quá nhiều trong cơ thể. DFO có thể điều chỉnh biểu hiện của một protein hỗ trợ sự tăng sinh của các mạch máu mới.

Vấn đề là ở cơ chế đưa DFO vào cơ thể, vì chất này sẽ gây độc nếu dùng trong thời gian dài cần thiết để vết loét có thể liền được. Vì thế các nhà nghiên cứu đã quyết định tìm cách khác: chỉ đưa một lượng thuốc vừa đủ trực tiếp vào vết loét qua miếng dán trên da.

Việc phát triển miếng dán trên da đã đặt ra nhiều thách thức. DFO cần được cải tiến để thấm váo lớp ngoài cùng của da để hoạt hóa sự hình thành các mạch máu mới, nhưng cũng cần kiểm soát việc giải phóng thuốc để kéo dài sự có mặt của DFO ở nồng độ điều trị.

Phải mất gần 4 năm nhóm nghiên cứu mới tìm ra giải pháp: “Gói” DFO bằng một chất diện hoạt (surfactant), chất này sẽ làm giảm sức căng bề mặt của DFO và chuyển dạng phân tử của nó thành các tiểu phân có thể thấm qua da, sau đó nhúng tất cả trong một chất nền polymer mềm dẻo, có chiều dày vài mm, nhờ đó sẽ bảo vệ các tiểu phân DFO vốn rất mỏng manh và giải phóng chúng từ từ khi chất nền này tan ra.

Miếng dán đã được thử nghiệm trên chuột và cho kết quả rất tốt. Khi đặt miếng dán lên, hơi ẩm của da khiến miếng dán tự dính, DFO bắt đầu khuyếch tán và các phân tử thuốc được hút vào mô và da bị loét.

Vết loét trên chuột không chỉ liền nhanh hơn, mà chất lượng của da mới thậm chí còn tốt hơn da ban đầu. Các nhà nghiên cứu cũng sử dụng chất nền DFO trên chuột bị tiểu đường để xem liệu nó có ngăn ngừa vết loét hình thành không – và kết quả cho thấy nó đã làm được. Kết quả đạt được rất đáng phấn khởi và các thử nghiệm lâm sàng trên người hy vọng sẽ bắt đầu sớm.

Công nghệ này cũng có hiệu quả trong phòng ngừa loét nằm, là nguyên nhân chính gây biến chứng và tử vong ở bệnh nhân bị tổn thương thần kinh hoặc người già và hiện có rất ít cách điều trị.

Cẩm Tú

Theo Medicalnewstoday