Miền Tây vật lộn chống dịch, nhiều địa phương xin tăng cường nhân lực

Phạm Tâm

(Dân trí) - Cần Thơ xin bổ sung một triệu liều vắc xin, Hậu Giang, Vĩnh Long xin tăng cường nhân lực để phòng chống Covid-19; Đồng Tháp, Tiền Giang dịch lây lan nhanh...

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngày 21/7, bà Hồ Thu Ánh- Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang ký văn bản gửi Thủ tướng, xin hỗ trợ nguồn nhân lực y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Miền Tây vật lộn chống dịch, nhiều địa phương xin tăng cường nhân lực - 1

Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Hậu Giang, nơi điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Hậu Giang, địa phương gặp rất nhiều khó khăn về nhân lực y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. UBND tỉnh Hậu Giang mong được hỗ trợ khu điều trị hồi sức tích cực (ICU) 60 giường với 8 bác sĩ cấp cứu hồi sức và 12 điều dưỡng. Tỉnh này thành lập bệnh viện dã chiến 500 giường, có nhu cầu hỗ trợ 20 bác sĩ, 40 điều dưỡng và 10 kỹ thuật viên.

Chiều cùng ngày, trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Hậu Giang cho biết, hôm nay địa phương này ghi nhận thêm 9 ca mắc mới, nâng tổng số trường hợp dương tính SARS-CoV-2 lên 49.

Tại Cần Thơ, chiều 21/7 lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Quân khu 9, phối hợp UBND TP Cần Thơ phun hóa chất khử các trục đường, khu vực lây nhiễm dịch bệnh, nhằm ngăn chặn dịch lây lan ra cộng đồng.

Miền Tây vật lộn chống dịch, nhiều địa phương xin tăng cường nhân lực - 2

Lực lượng chức năng của Quân khu 9, đang phun khử khuẩn đường phố Cần Thơ chiều 21/7.

Trong ngày 21/7, TP Cần Thơ ghi nhận 47 ca nhiễm SARS-CoV-2. Trong đó, 6 ca phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc tại cơ sở y tế; 23 ca là F1 của các ca bệnh đã công bố trước đó; 5 ca trong khu cách ly, phong tỏa; 13 ca được phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc trọng điểm. 

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các Trung tâm Y tế quận, huyện phối hợp lực lượng công an khẩn trương rà soát, truy vết, khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm, cách ly các trường hợp liên quan đồng thời phun khử khuẩn các địa điểm liên quan theo quy định.

Các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đã được chuyển đến các cơ sở y tế cách ly và điều trị.

Chiều 21/7, Thông tin từ Ban chỉ đạo Phòng chống Covid-19 tỉnh Vĩnh Long, đến thời điểm hiện tại địa phương này đã ghi nhận 483 ca mắc Covid-19, trong đó có 460 ca mắc trong cộng đồng.

Hiện toàn tỉnh có trên 3.100 trường hợp cách ly tập trung, trên 9.931 trường hợp cách ly tại nhà. Tỉnh Vĩnh Long đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do COVID-19, các bệnh nhân có triệu chứng phát bệnh nhanh từ 8-10 giờ là tử vong, phổi đông đặc hoàn toàn.

Miền Tây vật lộn chống dịch, nhiều địa phương xin tăng cường nhân lực - 3

Vĩnh Long xin Trung ương tăng cường nhân lực hỗ trợ ngành y tế chống dịch Covid-19.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, số ca bệnh dương tính với SARS-CoV-2 ngày càng tăng, tỉnh Vĩnh Long dự kiến thành lập thêm một bệnh viện dã chiến tại Trung tâm hành chính tỉnh, có khả năng thu dung điều trị thêm từ 800 đến 1.000 giường bệnh để đáp ứng điều trị ca nặng và nguy kịch.

Vĩnh Long cũng đề nghị Trung ương hỗ trợ các máy thở có chức năng cao; thêm một hệ thống máy xét nghiệm RT-PCR để đáp ứng thêm; 5 máy X-quang di động; đề xuất xem xét phân bổ thêm vaccine; đề nghị hỗ trợ thêm 20 bác sĩ và điều dưỡng hỗ trợ Vĩnh Long chống dịch…

Theo báo cáo của Tiểu ban Thông tin, tuyên truyền Covid-19 của tỉnh Đồng Tháp, trong ngày 21/7, địa phương này ghi nhận 109 ca dương tính (tăng 43 ca so ngày hôm qua). Như vậy từ ngày 24/6/2021 Đồng Tháp ghi nhận 1.550 ca mắc Covid-19.

Tại Tiền Giang đến ngày hôm nay 21/7, toàn tỉnh có 120 ổ dịch với tổng số 1.390 bệnh nhân, 4.276 F1. Trong đó, có 717 bệnh nhân được Bộ Y tế công bố mã số, các bệnh nhân còn lại đang chờ Bộ Y tế cấp mã số điều trị khỏi 94 bệnh nhân, chuyển lên tuyến trên 1 bệnh nhân, đã tử vong 21 bệnh nhân.

Miền Tây vật lộn chống dịch, nhiều địa phương xin tăng cường nhân lực - 4

Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang bố trí khu vực tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu dã chiến trong lúc chờ kết quả tầm soát Covid-19 trước khi nhập viện.

Tiền Giang hiện có 4 khu công nghiệp (KCN), 5 cụm công nghiệp với 110.000  lao động, trong đó có 1.500 lao động nước ngoài. Tính đến thời điểm hiện tại, Tiền Giang đã thực hiện phương án "3 tại chỗ" đối với 71 doanh nghiệp.

Tại Bến Tre, địa phương này đã ghi nhận 290 trường hợp mắc Covid-19, cùng với đó là có 1.835 trường hợp tiếp xúc gần (F1) và 9.895 trường hợp liên quan ca bệnh (F2). Hiện Bến Tre đã thành lập bốn bệnh viện dã chiến với khoảng 1.500 giường bệnh; thành lập bốn chốt kiểm soát phòng chống dịch tại các cửa ngõ ra vào tỉnh cùng nhiều biện pháp khác để khống chế dịch lây lan trong cộng đồng.

Miền Tây vật lộn chống dịch, nhiều địa phương xin tăng cường nhân lực - 5

Lực lượng chức năng của Bến Tre kiểm tra, hướng dẫn người dân chỉ ra đường khi cần thiết.

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ cho biết, dịch đang diễn biến phức tạp nên từ 0h ngày 19/7, tỉnh Bến Tre đã thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng chống dịch Covid-19, trong 14 ngày.

Ông Lê Đức Thọ cho rằng, đợt giãn cách xã hội này là cần thiết, giúp các ngành, các cấp có thêm thời gian để tập trung tốt hơn nữa trong công tác phòng chống dịch.

"Tôi kêu gọi toàn thể nhân dân thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16, không ra ngoài khi không thực sự cần thiết, hãy ở yên khi Tổ quốc cần - đó là yêu nước, hãy thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế. Chúng ta cần tập trung cao độ nhằm phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh; đảm bảo sức khỏe, tính mạng, an toàn của nhân dân là trước hết và trên hết; sớm ổn định cuộc sống", ông Lê Đức Thọ nhấn mạnh.