Miền Nam: Dễ bị rắn độc cắn trong mùa mưa

(Dân trí) - Thời tiết ẩm ướt, nước ngập nhiều, loài rắn độc thường tìm nơi khô ráo để trú ngụ. Hành vi tấn công để tự vệ của loài rắn khi đụng độ bất đắc dĩ với con người khiến số lượng bệnh nhân nhiễm nọc độc do rắn cắn tăng nhanh.

Trước tình trạng gia tăng nhanh số lượng bệnh nhân bị rắn tấn công trong tháng qua, ngày 25/6, BS Lê Quốc Hùng - Phó khoa Bệnh nhiệt đới, bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM nhận định, đây là tình trạng thường xảy ra khi mùa mưa đến. 

Thống kê tại khoa Bệnh nhiệt đới, chỉ trong 3 tuần gần đây, bệnh viện tiếp nhận 111 ca nhiễm nọc độc từ rắn. Hung thủ tấn công con người phần lớn là rắn lục đuôi xanh, đuôi đỏ (chiếm 80 ca), còn lại là rắn hổ, hổ đất, hổ mèo, chàm vàm, cá biệt có ca đẻn biển cắn. Hiện có 15 ca bị rắn cắn đang điều trị tại khoa thì 9 ca trong số đó do rắn lục gây ra.

Một trong số các nạn nhân bị rắn cắn điều trị tại Chợ Rẫy
Một trong số các nạn nhân bị rắn cắn điều trị tại Chợ Rẫy

Thông tin từ BS Hùng cho biết, trung bình mỗi năm tại khoa ghi nhận từ 800 đến 1.000 ca rắn cắn, khoảng 5 ca tử vong do nhập viện trễ. Số bệnh nhân nhiễm nọc độc của rắn thường rơi vào tháng 5 đến tháng 8 (thời điểm mùa mưa) với số lượng khoảng 200 ca mỗi tháng. 

Mới đây, khoa tiếp nhận 2 phụ nữ bị rắn lục đuôi đỏ cắn gặp biến chứng nặng, trong đó có 1 ca mang thai 14 tuần. Sau khi được truyền huyết thanh kháng nọc, hiện sức khỏe các bệnh nhân đã ổn định.

Bác sĩ Hùng cảnh báo người dân trong mùa mưa, cần hạn chế đến những nơi bụi rậm, nơi nuôi hoặc chế biến thức ăn từ rắn. Tuân thủ quy định an toàn lao động khi làm việc tại những nơi nhiều cây cối, chủ động phát quang bụi rậm quanh nhà để rắn không có nơi trú ngụ, cần gia cố lại nhà cửa kín đáo để rắn không có đường bò vào nhà, không bắt rắn hoặc có hành vi khiêu khích chúng, nếu gặp loài động vật nguy hiểm này, giải pháp an toàn là nên tránh xa.

Trường hợp bị rắn cắn, nạn nhân hoặc người cứu giúp không nên thắt ga-rô vết thương. Cách làm này sẽ khiến máu không lưu thông được qua vị trí ga-rô đi nuôi cơ thể, gây hoại tử các cơ quan phía dưới vùng bị ga-rô. Không nên đến thầy lang rạch vết cắn hút nọc hoặc đắp lá thuốc vì phương pháp trên thường gây rối loạn đông máu, nhiễm trùng vết thương, nhiễm trùng huyết dẫn tới tử vong. Khi bị rắn cắn, nạn nhân cần rửa ngay vết thương bằng nước sạch, nhanh chóng tới cơ sở y tế gần nhất để được xử trí, can thiệp kịp thời.

Vân Sơn