Miền Nam: Bệnh hô hấp đang “tấn công” trẻ em và người lớn

(Dân trí) - Khu vực các tỉnh phía Nam đang đi sâu vào mùa mưa, thời tiết tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút gây bệnh hô hấp tấn công khiến người mắc bệnh ùn ùn nhập viện. Bác sĩ khuyến cáo cộng đồng tăng cường các biện pháp phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe.

Mùa mưa, bệnh hô hấp tăng cao

Bệnh hô hấp là tình trạng các cơ quan thuộc hệ hô hấp trên hoặc hô hấp dưới bị viêm nhiễm do vi khuẩn, siêu vi gây ra. Khi bị nhiễm khuẩn hô hấp trên, người bệnh thường bị viêm mũi, viêm họng, viêm amidan, viêm tai giữa, viêm xoang. Những người bị nhiễm khuẩn hô hấp dưới thường bị viêm thanh quản, viêm khí quản, viêm phế quản, viêm phổi. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh hô hấp có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: suy hô hấp, áp xe phổi, tràn dịch màng phổi, nhiễm trùng huyết, nguy cơ tử vong.

Bệnh nhân đến khám tại bệnh viện Nhi Đồng 1
Bệnh nhân đến khám tại bệnh viện Nhi Đồng 1

Theo phân tích của các nhà chuyên môn, ở Việt Nam bệnh hô hấp xuất hiện quanh năm nhưng cao điểm của bệnh thường rơi vào những tháng mùa hè khi thời tiết nắng mưa bất thường và mùa đông khi thời tiết trở lạnh là điều kiện thuận lợi để vi rút gây bệnh phát triển.

Tại khu vực các tỉnh phía Nam, bệnh hô hấp đang tăng nhanh. Số liệu tổng hợp của bệnh viện Nhi Đồng 2 cho thấy, trong tuần cuối của tháng 7, trung bình mỗi ngày tại khoa Hô hấp và khoa Hô hấp dịch vụ, số bệnh nhi phải nhập viện điều trị nội trú giao động từ 350 đến 380 ca. Bệnh đông nên các bé đã bắt đầu phải nằm ghép.

Tại bệnh viện Nhi Đồng 1, số bệnh nhân dồn về nhiều đã khiến khoa Hô hấp rơi vào tình trạng quá tải nghiêm trọng. Khoa chỉ có 100 giường bệnh kế hoạch nhưng số bệnh nhân nhập viện có thời điểm lên tới hơn 460 trẻ. Dù bệnh viện đã kê thêm nhiều giường bệnh, băng ca song vẫn không đủ đáp ứng, mỗi giường bệnh phải nằm ghép từ 4 đến 5 trẻ.

Trước thực trạng trên, BS Trần Anh Tuấn, trưởng khoa Hô hấp đã báo cáo khẩn và được Ban giám đốc điều khoa Nội tổng quát tiếp nhận bệnh nhân mắc hô hấp nhẹ qua điều trị.

Quá tải bệnh hô hấp khiến nhiều trẻ phải nằm một giường
Quá tải bệnh hô hấp khiến nhiều trẻ phải nằm một giường

Cùng với trẻ em, số người lớn mắc bệnh hô hấp cũng đang gia tăng nhanh. Số liệu thống kê từ bệnh viện Đại học Y Dược, TPHCM cho thấy, trong tháng 6 tổng số bệnh nhân đến khám hô hấp là 1.646 ca; tổng kết tháng 7 có 1.905 ca đến khám và điều trị (tăng khoảng 23% so với tháng trước). Dự báo, bệnh sẽ tiếp tục gia tăng nhanh trong tháng 8.

Chủ động phòng bệnh, tránh biến chứng nguy hiểm

Phân tích chuyên môn của ThS.BS Hoàng Đình Hữu Hạnh, Trung tâm chăm sóc Hô hấp, bệnh viện Đại học Y Dược chỉ ra: khi thời tiết thay đổi chuyển từ mùa nắng sang mùa mưa sẽ tạo điều kiện cho vi trùng, vi rút sinh trưởng mạnh, tấn công vào hệ hô hấp của mọi người. Người mắc bệnh sẽ bị cảm sốt, nhức mỏi toàn thân, ho đàm…

Số người lớn mắc bệnh hô hấp đến khám và điều trị cũng gia tăng
Số người lớn mắc bệnh hô hấp đến khám và điều trị cũng gia tăng

Cũng theo BS Hữu Hạnh, tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi đều có nguy cơ mắc bệnh hô hấp. Tuy nhiên các nhóm bệnh nhân như trẻ nhỏ; phụ nữ đang mang thai; người lớn tuổi, hệ miễn dịch suy yếu và thường có bệnh lý mạn tính đi kèm... có nguy cơ mắc bệnh hô hấp rất cao.

Ngoài yếu tố thời tiết, sự gia tăng của bệnh hô hấp còn có sự “tiếp tay” của ô nhiễm môi trường quanh các khu công nghiệp, đô thị hoặc địa hình vùng núi cao, nơi có không khí lạnh. Người dân sống ở khu vực trên vừa phải chống chọi với môi trường sống vừa phải thích ứng với sự thay đổi của thời tiết nên nguy cơ mắc bệnh thường cao hơn.

Các nhà chuyên môn khuyến cáo, sử dụng vắc xin chủng ngừa như vắc xin cảm cúm (chích vào tháng 3 hoặc tháng 4 hoặc vào tháng 9 hoặc tháng 10), vắc xin ngừa viêm phổi là biện pháp hiệu quả để tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.

Cần tăng cường bảo vệ sức khỏe và điều trị sớm khi mắc bệnh để tránh biến chứng nguy hiểm
Cần tăng cường bảo vệ sức khỏe và điều trị sớm khi mắc bệnh để tránh biến chứng nguy hiểm

Bên cạnh đó, ăn uống hợp lý và khoa học, đảm bảo đủ chất, tăng cường vitamin từ hoa quả, trái cây, các loại rau xanh; giữ ấm để cơ thể không bị cảm lạnh; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước sạch; mang khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh hoặc ra đường trong môi trường ô nhiễm; sử dụng quạt máy, máy lạnh phù hợp... là biện pháp đơn giản mà mọi người, mọi nhà đều có thể thực hiện để phòng bệnh hô hấp nói riêng và các loại bệnh khác nói chung.

Đối với những người bị viêm nặng nề như: viêm phế quản, viêm phổi thì cần phải đến cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán đúng, điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm hoặc chuyển sang giai đoạn bệnh hen suyễn mạn tính.

Vân Sơn