1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Mẹo trị táo bón bằng thực dược và day ấn

(Dân trí) - Theo Đông y, táo bón được chia làm 4 thể bệnh. Nhiệt hoặc hàn tích tụ trong cơ thể, cũng như khí hư hoặc huyết hư đều có thể gây ra táo bón.

Táo bón do nhiệt

Táo bón do nhiệt

Nguyên nhân: Ăn quá nhiều đồ cay nóng hoặc thực phẩm chiên rán và bia rượu. Cảm xúc mãnh liệt đột ngột như buồn rầu hoặc tức giận.

Triệu chứng: Phân khô, cứng, đôi khi kèm theo nước tiểu sẫm màu. Phân nhỏ như phân dê cho thấy nhiệt độc trong người. Người bệnh cũng có thể bị chướng bụng, mặt bốc hỏa, loét miệng, miệng khô, hơi thở hôi.

Thực dược: Đun sôi 15g hạt muồng với 15g cúc hoa trắng trong 30 phút, chắt lấy nước nấu cháo với 60g gạo. Món này giúp thanh nhiệt.

Táo bón do hàn

Nguyên nhân: Cơ thể suy yếu lâu ngày do ăn nhiều hoặc kéo dài các loại thức ăn lạnh hoặc thức ăn sống như gỏi, hoặc do bẩm sinh.

Triệu chứng: Phân có thể bình thường hoặc lỏng, nhưng vẫn khó đi ngoài. Các dấu hiệu khác là nước da xanh tái, lòng bàn chân bàn tay lạnh, đau ê ẩm vùng eo và vùng thắt lưng, bụng dưới đau, lạnh và đi tiểu nhiều lân. Người bệnh cũng sợ lạnh và thích thức ăn, đồ uống ấm, thích mặc quần áo dày.

Thực dược: Dùng 50g gạo nấu thành cháo, sau đó thêm 30 – 50g hạt quả óc chó vào cháo trước khi dùng. Ăn vào buổi sáng và buổi tối.

Táo bón do khí hư

Nguyên nhân: Cơ thể suy yếu do tuổi già, bệnh nặng hoặc sau sinh. Gắng sức quá mức và tình dục quá độ cũng làm cạn kiệt khí trong cơ thể.

Triệu chứng: Muốn rặn những thường phải cố sức và thậm chí phải dùng tay để lây. Người bệnh cũng cảm thấy mệt sau khi đi ngoài. Phân bình thường và không khô.

Thực dược: Cháo Hoàng kỳ + Hạt thông. Đầu tiên dùng 30g Hoàng kỳ ninh với 50g gạo trong 30 – 40 phút. Bỏ bã và dùng phần nước còn lại tiếp tục nấu với 15g hạt thông. Ăn vào bữa sáng.

Táo bón do huyết hư

Nguyên nhân: Thiếu dinh dưỡng; thức khuya trong thời gian dài gây can âm hư; mất máu sau mổ hoặc sau sinh.

Triệu chứng: Phân khô, da tái, móng tay nhợt màu, lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng, hồi hộp đánh trống ngực, hoa mắt chóng mặt.

Thực dược: Đầu tiên, cho 30 - 60g Hà thủ ô vào một chiếc nồi đất cùng 2 lít nước và đun đến khi sôi. Bỏ Hà thủ ô và cho vào nước 100g gạo công với 3-5 quả táo đỏ. Nấu đến khi đặc thành cháo. Thêm đường phèn cho dễ dùng trước khi ăn. Ăn một hoặc hai lần mỗi ngày.

Day ấn huyệt chữa táo bón

Việc day ấn những huyệt này sẽ giúp tăng cường công năng của tì vị, từ đó điều hòa nhu động ruột và ngăn ngừa táo bón. Có thể làm thường xuyên tùy ý và không cần cởi bỏ quần áo.

1. Huyệt Thiên khu

Trị táo bón bằng y học cổ truyền

Trị táo bón bằng y học cổ truyền

Từ rốn đo ngang ra hai thốn (thốn là đơn vị đo bằng chiều dài đốt giữa của ngón tay giữa). Dùng ngón giữa bàn tay trái và ngón giữa bàn tay phải ấn lên những huyệt này. Day huyệt theo hình tròn trong 1 phút mỗi lần. Tránh day ấn huyệt 2 giờ sau khi ăn no.

2. Huyệt Trung quản

Trị táo bón bằng y học cổ truyền

Trị táo bón bằng y học cổ truyền

Từ rốn đo thẳng lên 4 thốn, trên đường giữa bụng. Đặt lòng bàn tay phải trên rốn. Ấn nhẹ lòng bàn tay trái lên bàn tay phải. Day huyệt theo hình vòng tròn trong 1 phút trong khi giữ nguyên cả hai bàn tay ở vùng này của bụng.

3. Huyệt Quan nguyên

Trị táo bón bằng y học cổ truyền

Trị táo bón bằng y học cổ truyền

Từ rốn đo thẳng xuống 3 thốn, hoặc trên chính giữa bờ trên xương mu 2 thốn, trên đường dọc giữa bụng. Hoặc một cách khác là đặt lòng bàn tay ngay dưới rốn. Xác định huyệt ở ngón tay thứ tư dưới rốn. Day huyện theo hình vòng tròn trong 1 phút.

Thận trọng: Có thai. Phụ nữ có thai nên tránh day ấn cả ba huyệt này vì có thể kích thích gây động thai và nguy cơ sảy thai. Những người bị tiêu chảy cũng không nên làm, vì việc day bấm huyệt có thể gây co thắt ruột.

Món ăn chữa bệnh: Cháo kê và khoai lang

Thành phần: 150g kê, 2 củ khoai lang cỡ vừa, 1 lít nước, đường nâu tùy ý.

Cách làm: Kê vo sạch để ráo. Khoai lang gọt vỏ thái lát. Đổ 1 lít nước vào xoong, cho kê và khoai lang vào, sau đó đun sôi. Tiếp theo, vặn nhỏ lửa để sôi liu riu trong 30 – 35 phút, thường ninh đến khi thành cháo. Thêm đường nâu và múc ra bát ăn.

Khoai tây có tính bình trong khi kê có tính hàn. Khi kết hợp với nhau, cháo kê khoai lang có tác dụng bổ tì vị và có thể dùng hàng ngày để ngăn ngừa táo bón. Nhưng với những người bị đầy hơi chướng bụng thì không nên ăn quá nhiều những thực phẩm giàu tinh bột như khoang lang. Có thể thay bằng những thứ ít tinh bột hơn, ví dụ như bí đỏ (bí ngô).

Cẩm Tú

Theo Asiaone