Mẹo nhỏ đối phó với dị ứng
(Dân trí) - Dị ứng là tình trạng xảy ra khi cơ thể phản ứng với tác nhân nào đó mà nó mẫn cảm. Phản ứng dị ứng hay gặp nhất mà nhiều người mắc phải là viêm mũi dị ứng – tình trạng viêm ở mũi gây chảy nước mũi, ngạt mũi, hắt hơi, ngứa và chảy nước mắt.
Ngoài ra, dị ứng da cũng rất hay gặp, phổ biến nhất là chàm cơ địa, khiến da bị căng rát, đỏ, ngứa hoặc đau là một bệnh viêm da mạn tính hay gặp và thường là biểu hiện đầu tiên ở bệnh nhân. Tiếp sau đó có thể là những bệnh dị ứng cơ địa khác tiến triển như hen và viêm mũi dị ứng biểu hiện nặng lên.
Những dạng bệnh dị ứng da hay gặp khác gồm mày đay – phản ứng dị ứng tạo thành các nốt sẩn ngứa ở da, và phù mạch – tình trạng tích tụ dịch ở sâu trong da và khiến cho một số vùng cơ thể như môi và mí mắt sưng nề. Phù mạch gây khiến người bệnh khó chịu và kéo dài hơn máy đay, có thể tới vài ngày.
Ở những trường hợp nặng, các cơ quan trong cơ thể như lưỡi và đường hô hấp có thể bị ảnh hưởng, làm giảm khả năng lao động tạm thời và thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Những trường hợp bị dị ứng nặng thường được khuyên đi khám bác sĩ, còn dị ứng da nhẹ hơn có thể được điều trị bằng các thuốc kháng histamin không cần kê đơn. Những thuốc dễ kiếm này sẽ giúp làm giảm triệu chứng và giảm những khó chịu mà bệnh gây ra.
Dưới đây là mười lời khuyên hữu ích cho những người hay bị dị ứng:
1. Bọc đệm và gối bằng những chất liệu không để mạt bụi lọt qua.
2. Thường xuyên hút bụi cho đệm và vệ sinh những đồ đạc mềm, rèm cửa, thảm và sàn nhà để bụi không tích tụ.
3. Cố gắng thay gối mới ba tháng một lần.
4. Giặt chăn, ga, gối bằng nước nóng khoảng 60oC để diệt mạt bụi.
5. Giữ phòng ngủ luôn gọn gàng vì đồ vật bừa bộn sẽ tạo điều kiện cho bụi tích tụ.
6. Xem xét việc lát sàn gỗ thay vì trải thảm.
7. Giữ cho nhà cửa luôn thông thoáng, tránh ẩm mốc.
8. Mở hết cửa ra vào và cửa sổ khi nấu nướng.
9. Không cho vật nuôi vào phòng ngủ, và giữ vật nuôi ngoài nhà mỗi khi có thể.
10. Thường xuyên tắm cho vật nuôi để loại bỏ gàu và lông rơi rụng.
Cẩm Tú
Theo asiaone