Mẹo bảo quản thực phẩm an toàn trong tủ lạnh mùa dịch Covid-19
(Dân trí) - Nhiều người quan niệm tủ lạnh rất "thần tiên", đồ ăn bỏ vào bao lâu không hỏng. Tủ lạnh làm chậm lại quá trình phát triển của vi khuẩn, cần tuân thủ các quy tắc bảo quản thực phẩm an toàn.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, ngộ độc thực phẩm là một tai nạn có thể xảy đến ở mọi gia đình, bất cứ đối tượng nào. Nguyên nhân bắt nguồn từ quan niệm tủ lạnh là một chiếc tủ thần kỳ, có thể bảo quản thực phẩm tươi mới mãi mãi…
Những lỗi trong bảo quản thức, chế biến thức ăn gây nguy cơ ngộ độc cao được TS Nguyễn Tiến Dũng, BV Bạch Mai, chỉ ra dưới đây sẽ giúp mọi người sắp xếp lại tủ lạnh, bảo quản đồ ăn đúng cách, giúp phòng nguy cơ ngộ độc trong những ngày dịch Covid-19, nhiều bà nội trợ ngại đi mua đồ ăn mỗi ngày, có xu hướng tích trữ đồ ăn.
Phân loại thực phẩm
Nếu đưa tất cả các thực phẩm, từ đồ tươi sống (các loại thịt bò, gà, lợn) và các đồ ăn sẵn (các loại giò, trái cây)….vào cùng một vị trí trong tủ lạnh sẽ dẫn tới nguy cơ lây nhiễm các vi trùng, nấm mốc khi một món đồ bị ôi.
Hãy nhớ rửa sạch, để ráo nước, chia riêng thực phẩm sống, chín và thực phẩm đóng hộp.
Mỗi loại thịt đều cho vào một hộp riêng, đậy kín. Chỉ những thực phẩm tươi sử dụng trong ngày mới để ngăn mát, còn lại phải để vào ngăn đông. Với trái cây, rau, chỉ những loại rau lá mới cần nhặt sạch, bọc kín trong túi ni-lon để vào tủ; còn lại các loại rau củ như su hào, su su, khoai tây, khoai môn, cà chua… thì có thể để ngoài.
Các loại thức ăn chín nguội như giò, thịt đông…cần được bảo quản cẩn thận, để hộp riêng, có nắp kín... để tránh bị lây nhiễm vi khuẩn, nấm mốc từ các thực phẩm khác (bề mặt vết cắt giò có màu khác với phần còn lại của giò...).
Tốt nhất, phải có hộp riêng, ngăn riêng trong tủ lạnh để chứa các đồ ăn chín này.
Sắp xếp thoáng khí
Đừng xếp thực phẩm chồng chất khiến tủ lạnh kín mít, không còn chỗ "thở". Hãy để xa vị trí quạt thông gió, sắp xếp thực phẩm có khe hở để khí lạnh lưu thông, việc bảo quản sẽ hiệu quả hơn
Bảo quản thực phẩm ăn sẵn, đóng hộp
Với sản phẩm sữa, ta không nên để chung với các loại thực phẩm khác vì sữa rất dễ hấp thụ mùi. Hãy bọc kín sữa và để ngăn cánh tủ lạnh, tách biệt với các ngăn khác. Với pho mát, nên bọc thật kỹ bằng màng bọc thực phẩm hoặc hộp kín đựng thực phẩm vì pho mát rất nhanh khô, dễ làm mất mùi vị tự nhiên của chúng.
Bên cạnh đó, hãy tạo cho mình thói quen dán nhãn thực phẩm để quản lý thời hạn sử dụng đồ ăn. Chủ động là một người nội trợ thông minh, khoa học.
Khi lấy đồ ăn trong tủ lạnh ra, phải nấu chín lại trước khi ăn (trừ những đồ ăn nguội, cần bảo quản kỹ càng để tránh nhiễm khuẩn.