Men gan cao ở trẻ em: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Minh Sơn

(Dân trí) - Men gan cao ở trẻ em tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm đến sức khỏe.

Do vậy, cha mẹ cần lưu ý những biểu hiện bất thường của con để đưa đi thăm khám, kịp thời phát hiện tình trạng tăng men gan và điều trị đúng hướng.

1. Biểu hiện men gan cao ở trẻ em

Chúng ta chỉ biết đến tình trạng tăng men gan ở người uống nhiều rượu bia, béo phì hoặc gặp các bệnh lý về gan. Trong khi đó, nhiều người không biết rằng trẻ em cũng có thể là đối tượng gặp phải tình trạng này. Vậy men gan tăng ở trẻ có những biểu hiện nào và lý do là gì?

Tăng men gan ở trẻ em là gì?

Thông thường, những enzyme trong gan được sản sinh khi có tế bào gan bị lão hóa và chết đi. Các enzyme này được giải phóng vào máu và hình thành lượng men gan nhất định. Khi lượng men gan này vượt quá ngưỡng cho phép (>40 U/L) thì có nghĩa là men gan đã tăng cao.

Cơ chế này ở trẻ em cũng vậy. Men gan cao ở trẻ em có thể xảy ra trong một trường hợp nào đó. Chỉ số men gan tăng ở mức từ nhẹ đến cao là dấu hiệu cảnh báo tình trạng nguy hiểm của gan cũng như cảnh báo vấn đề bất thường trong cơ thể trẻ.

Men gan cao ở trẻ em: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị - 1

Trẻ em cũng có thể gặp tình trạng men gan tăng cao.

Triệu chứng tăng men gan ở trẻ em

Khi trẻ bị tăng men gan ở mức độ nhẹ sẽ không có dấu hiệu gì bất thường được biểu hiện ra bên ngoài. Nhưng nếu men gan tăng từ trên 150 U/L trở lên thì sẽ xuất hiện những dấu hiệu dễ nhận biết sau đây:

Vàng da, vàng mắt: đây là dấu hiệu dễ nhận biết nhất khi gan có vấn đề. Đôi khi vàng da cũng là biểu hiện của bệnh lý về máu nhưng gan vẫn là phổ biến hơn cả. Nguyên do là bởi gan bị suy giảm chức năng, không đào thải độc được nên chuyển hóa vào máu gây vàng da.

Trẻ bị trướng bụng, khó chịu: gan đào thải kém khiến các chất bị chuyển hóa ngược làm đầy bụng, khó chịu, và tức ở phần bụng vị trí của gan.

Phân màu nhạt, nước tiểu đậm màu: bố mẹ có thể để ý đến màu nước tiểu. Nếu bé bị tăng men gan thì nước tiểu sẫm màu, trong khi đó phân có màu vàng nhạt.

Ngứa da: tình trạng men gan tăng cao khiến độc tố trong cơ thể không được đào thải ra ngoài mà tích tụ lại trên da gây ngứa da.

Một số biểu hiện khác: Men gan cao ở trẻ em có thể có thêm các dấu hiệu khác dễ nhận biết như sưng phù mắt cá chân, bàn chân; bé bị đau bụng, buồn nôn, mệt mỏi, chán ăn, cơ thể suy nhược.

Men gan cao ở trẻ em: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị - 2

Tăng men gan gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của trẻ.

2. Nguyên nhân tăng men gan ở trẻ em

Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị men gan cao. Trong đó có thể kể đến những tác nhân phổ biến sau đây:

Dùng thuốc quá liều

Nhiều trường hợp trẻ gặp vấn đề về sức khỏe, cần dùng đến kháng sinh, giảm đau và hạ sốt. Tất cả những thuốc này đều rất có hại cho gan. Nếu trẻ phải điều trị kháng sinh dài ngày, uống nhiều thuốc hạ sốt thì men gan sẽ tăng cao bất thường. Đây là tình trạng rất dễ gặp phải đối với tất cả các bé.

Trẻ mắc các bệnh về gan

Những trẻ bị di truyền bệnh viêm gan siêu vi A, B, C đều có nguy cơ bị ảnh hưởng đến gan, khiến cho gan bị suy giảm chức năng và tăng men gan. Để tránh tình trạng viêm gan B, các bé khi được sinh ra cần được tiêm mũi vắc xin phòng tránh viêm gan B ngay trong 24h đầu sau sinh.

Trẻ bị thừa cân, béo phì

Trẻ em bị béo phì rất hay gặp các tính trạng bệnh lý bất thường và nguy hiểm đến sức khỏe. Trong đó phải kể đến tình trạng gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ. Các bệnh lý này khiến gan bị ảnh hưởng chức năng nghiêm trọng, suy giảm khả năng miễn dịch. Gan hoạt động kém, đào thải kém. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến men gan tăng ở trẻ.

Men gan cao ở trẻ em: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị - 3

Béo phì là yếu tố nguy cơ dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe.

Dùng sữa công thức không đúng cách

Men gan cao ở trẻ em cũng có thể do nguyên nhân là sử dụng sữa công thức quá nhiều. Trong sữa bột công thức thường bị thiếu chất antitrypsin. Vì thế, gan không thể chuyển hóa được hết các chất trong sữa, gây tích tụ trong gan và ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Bị tăng men gan bẩm sinh

Nếu trong gia đình có người mắc các bệnh lý về gan thì đứa trẻ sinh ra cũng có thể bị di truyền các chứng bệnh này. Lá gan không được khỏe mạnh như thường. Cách đơn giản nhất để xác định là xét nghiệm thấy men gan tăng ở trẻ.

3. Điều trị và phòng tránh tình trạng men gan cao ở trẻ em

Men gan cao ở trẻ em nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng phức tạp về sức khỏe. Gan dần dần bị suy giảm chức năng nghiêm trọng, dẫn đến suy gan và ung thư gan khi trưởng thành. Do vậy, nếu thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường giống như tăng men gan hoặc trẻ thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh gan thì hãy đưa trẻ để địa chỉ uy tín khám sức khỏe định kỳ, làm xét nghiệm chức năng gan khi cần thiết.

Cách điều trị hạ men gan ở trẻ

Nếu như men gan tăng ở trẻ quá cao, hãy đưa trẻ đến cơ sở uy tín để khám và điều trị. Thông thường, để điều trị đợt viêm gan cấp, trẻ sẽ phải nằm lại bệnh viện để theo dõi và điều trị đúng hướng. Truyền các dung dịch giải độc gan, thuốc bổ gan, cải thiện chức năng gan trong vài ngày có thể giúp hạ men gan nhanh chóng. Sau đó thực hiện các giải pháp trị liệu đơn giản để duy trì sức khỏe của lá gan.

Men gan cao ở trẻ em: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị - 4

Tiêm phòng viêm gan B cho trẻ theo lịch khuyến cáo.

Phòng bệnh tăng men gan ở trẻ

Hãy cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và duy trì sữa mẹ trong 2 năm tiếp theo. Đây là nguồn dinh dưỡng thiết yếu và tốt nhất đối với trẻ, giúp tăng sức đề kháng và phòng bệnh cho bé trong 2 năm đầu đời vô cùng quan trọng.

Thực hiện chế độ sinh hoạt, ăn uống lành mạnh cho bé ngay từ khi tròn 6 tháng bắt đầu ăn dặm. Tăng cường các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, vitamin C, A, B,… Các thực phẩm giàu Omega-3, chất béo và protein lành mạnh. Đủ dưỡng chất giúp bé luôn khỏe mạnh, tăng sức đề kháng. Thực phẩm lành mạnh giúp bé chống lại bệnh tật.

Men gan cao ở trẻ em không hiếm gặp nhưng thường bị chủ quan bỏ qua. Vì thế, bố mẹ cần chủ động tìm hiểu thêm các thông tin cần thiết về chăm sóc sức khỏe của trẻ. Luôn lưu tâm, để ý đến mọi biểu hiện bất thường của con để đưa đi khám và điều trị kịp thời khi có bệnh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm