1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Mê tín dị đoan và y khoa: May nhờ, rủi chịu

Không biết có nơi nào như Việt Nam mình, mê tín dị đoan ảnh hưởng đến cuộc sống như thế. Nhất là trong y khoa, người bệnh bị ảnh hưởng nặng nề vì những quan niệm cũ, những mê tín dị đoan trong việc đưa ra những quyết định quan trọng liên quan tới sức khỏe của mình.

Trong lĩnh vực sản khoa, năm nào sinh con có số tốt theo tuổi âm lịch thì người ta ùn ùn nhau sinh con năm đó, làm ảnh hưởng đến kế hoạch tầm vĩ mô của nhà nước. Năm thì rất nhiều trẻ sinh ra nhưng cũng có năm rất ít trẻ được sinh ra đời. Trong việc chọn ngày sinh cũng có nhiều chuyện cười ra nước mắt, chọn ngày sinh, phải sinh mổ vào ngày nào đó thậm chí giờ nào đó nữa để con có số tốt sau này. Nó làm mọi việc rối tù mù lên, những chuyện xem ra rất quan trọng, đến sức khỏe, đến tính mạng của con người. Những quyết định đúng ra là thuần túy về khoa học, dựa trên những nghiên cứu nghiêm túc thì bệnh nhân lại không nghe, bệnh nhân dễ dàng nghe theo những ý kiến những lời khuyên hay phán như thánh của những ông thầy bói.

 

Trong ung thư học thì thấy rõ ràng nhất. Dân mình khi xưa cho là ung thư là do bị yểm bùa. Họ tìm đến những thầy thuốc bắc, thuốc nam để quyết định nên lựa chọn phương pháp nào điều trị. Họ rất dễ tin những ông thầy đó, những người hoàn toàn không có chút kiến thức gì trong ung thư học. Nhiều khi bệnh đã được chẩn đoán rõ ràng bởi các bác sĩ ung bướu, người có chuyên môn có kinh nghiệm từng điều trị nhiều trường hợp như thế. Tiếc hơn nữa là bệnh còn khu trú, còn khả năng chữa được thì họ không nghe theo, bệnh nhân lại nghe theo lời của ông thầy bùa, nghe theo lời chỉ dẫn của ông hàng xóm, của bà ngoài chợ… để rồi hậu quả là khối ung thư không còn khả năng điều trị triệt để hay điều trị tiệt căn. Đến khi giai đoạn cuối đau quá thì đến bệnh viện lần nữa thì ôi thôi, chuyện đã rồi, cơ hội bằng vàng có thể chữa được bệnh đã mất. Thời gian không quay ngược trở lại nữa.

 

Trị bá bệnh bằng… niệm chú và lên đồng. Ảnh Internet.
Trị bá bệnh bằng… niệm chú và lên đồng. Ảnh Internet.

 

 

 

Rất nhiều trường hợp sỏi niệu cũng vậy. Khi sỏi còn có khả năng chữa bằng tán sỏi ngoài cơ thể lại không nghe lời bác sĩ tây y, bệnh nhân cũng nghe theo lời lực lượng “trên”, không có chuyên môn, và hoàn toàn không chịu trách nhiệm. Họ theo những phương thức điều trị đó mãi cho đến lúc suy thận hay sỏi không còn khả năng điều trị bằng phương pháp không xâm lấn hay bằng những phương pháp nhẹ nhàng mà hết bệnh nữa mà bắt buộc phải mổ hở, mổ lớn và thậm chí cắt thận hay chạy thận vĩnh viễn.

 

Một bệnh nhân đau bụng cấp, bụng ngoại khoa rõ ràng là phải mổ càng sớm càng tốt nhưng họ lại đến những ông thầy bùa chú bất lương, vẽ rồng vẽ rắn lên bụng của bệnh nhân làm cho bệnh nhân hy vọng, đến khi bệnh ngày càng nặng đến bệnh viện cũng trễ rồi. Nghe nói đâu cái vụ vào bệnh viện cắt chân người bệnh cũng có động cơ do mê tín dị đoan nữa, đúng là động trời.

 

Ai quan tâm đến nền y học chân chính, đều cũng thấy đây làm một mảng tối, một lực cản khủng khiếp cho việc nâng cao sức khỏe hay bảo vệ sức khỏe bệnh nhân. Nó làm trì trệ hay kéo lùi những nỗ lực phát triển một nền y học lành mạnh, hiện đại, không bệnh hoạn. Nó đôi khi là những lực lượng tản mát, đôi khi vô hình gậm nhấm dần dần sức khỏe người bệnh mà người đời khó phát hiện ra hay vô tình chấp nhận nó như một sự hiển nhiên.

 

Một điều trớ trêu là, khi đến bệnh viện một bệnh nhân có thể kiện một bác sĩ vì có những quyết định không đúng ảnh hưởng đến sức khỏe của họ, điều này đúng. Nhưng, trong những trường hợp kể trên, những người có thể phán này phán họ, phán một câu bâng quơ hoàn toàn không chịu trách nhiệm trên lời nói đó mà nó lại có tác dụng khủng khiếp đến những quyết định của bệnh nhân thì bệnh nhân đâu có thể thưa kiện họ.

 

Đúng là có bệnh thì vái tứ phương, may nhờ rủi chịu. Tội cho dân ta!

 

Theo BS. Phan Văn Hoàng

Sức khỏe đời sống