“Mẹ đỡ” nơi vùng sơn cước

(Dân trí) - Ai về miền non cao Hữu Khuông xa xôi của huyện miền núi Tương Dương cũng đều nghe người dân kể một cách thán phục về nữ y sỹ Vy Thị Biết. Người có được niềm tin yêu của bà con các dân tộc sinh sống nơi đây. Bà con dân bản gọi chị với cái tên rất gần gũi là “Mẹ đỡ”.

Người cứu những đứa con từ tay “tử thần”

Men theo những con đường núi lởm chởm đầy đá, chúng tôi đến xã Hữu Khuông, huyện miền núi Tương Dương, tỉnh Nghệ An, không vội đến Phòng khám đa khoa khu vực lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, nơi y sỹ Vy Thị Biết đang công tác, mà chúng tôi theo chân chị cán bộ Phụ nữ xã Lô Thị Vân Anh. Chúng tôi được chị Vân Anh đưa đến gia đình nhà sản phụ Học Thị Lê - người dân tộc Khơ Mú ở bản Con Phen. Chị Lê vừa mới sinh em bé hơn một tháng nay. Chị Lê là một trong rất nhiều người được y sỹ Vy Thị Biết “đón” từ cõi chết trở về.

Đã gần 8h sáng, nhưng ngoài trời còn giăng trắng sương mù, cả bản đã vắng tanh. Chúng tôi gặp anh Moong Văn Thìn, chồng chị Lê vui vẻ mời vào nhà. Trong căn nhà vừa đủ sáng để vợ chồng chị Lê chăm sóc đứa con trai đầu lòng của mình. Anh Thìn cẩn trọng đặt con xuống cái nôi mây nhỏ xinh tự tay vợ chồng anh đan, rồi tiếp chuyện chúng tôi. “Các chị thấy bé Bún thay đổi nhanh không, mới tháng trước suýt bỏ vợ chồng em mà giờ đây nó lớn thế rồi đấy.


Nữ y sỹ Vi Thị Biết, người được bà con dân bản gọi với cái tên thân thuộc là Mẹ đỡ.

Nữ y sỹ Vi Thị Biết, người được bà con dân bản gọi với cái tên thân thuộc là "Mẹ đỡ".

Nhớ lại thời khắc đứa con trai đầu lòng được “mẹ đỡ” cướp từ tay “tử thần” trở lại với cuộc sống, anh Thìn cho biết: “Hôm đó trời thì mưa, lạnh, đường trơn trượt, vợ tôi đã chuyển dạ gần 2 ngày, ối, huyết ra nhiều. Hôm đó, ta định để mẹ con ở nhà sinh bé. Nhưng gần hết ngày thứ hai, toàn thân vợ như luội hẳn, không nói thành tiếng, tôi mới vượt núi Con Phen, đưa vợ đến Phòng khám đa khoa, nơi mẹ Biết làm việc để báo. Cứ sợ mẹ Biết không theo, nhưng vừa nghe tôi báo, vợ chuyển dạ, mẹ Biết đã hiểu ngay, liền theo tôi về nhà. Mẹ chỉ kịp cầm vội hộp dụng cụ y tế vừa mới hấp nóng cho vào thùng xốp, khoác chiếc áo mưa rồi đi...

...Khi đó, đến nửa đường tôi nghe tiếng bố mẹ tôi khóc to lắm. Vừa đến nơi thì chúng tôi thấy bố mẹ đang ôm vợ tôi máu me đầy người, hơi thở thoi thóp. Mẹ Biết chỉ kịp đeo đôi gang tay y tế, chỉ tôi trải ni lông ra giữa lùm cây. Sau đó đặt vợ tôi nằm lên tấm ni lông rồi chỉ dẫn cho cô ấy cách lấy hơi. Không biết mẹ Biết làm như thế nào mà chỉ sau ít phút, thằng cu Bun ra đời rồi nó khóc rất to. Sau đó vợ tôi được đưa về phòng khám rồi chuyển lên bệnh viện tuyến trên”, anh Thìn chia sẻ.

Mỗi lần tự tay đón một đứa trẻ chào đời đó là niềm vui hạnh phúc lớn nhất với Mẹ đỡ.
Mỗi lần tự tay đón một đứa trẻ chào đời đó là niềm vui hạnh phúc lớn nhất với "Mẹ đỡ".

Nếu hôm đó không có mẹ Biết, thì có lẽ đứa con đầu lòng của vợ chồng anh Thìn đã không được ở lại với cõi đời. Tại thời điểm đó sức khỏe của sản phụ rất yếu sau gần 2 ngày chuyển dạ. Nhưng với sự quyết đoán và kinh nghiệm của bản thân mẹ Biết đã chiến thắng tử thần đưa bé Bun trở về với cuộc sống.

Chúng tôi bị cuốn vào câu chuyện của anh Thìn, khi chiếc điện thoại chị Vân Anh - Chủ tịch Hội phụ nữ xã vang lên, chúng tôi mới giật mình, bởi đầu dây bên kia một giọng nam rõ to: “Vợ anh Mùa bản Chà Lâng xuống viện rồi, nghe mẹ Biết nói thai to, thai phụ lại yếu, chị về nhanh hỗ trợ mẹ Biết nhé”.

“Mẹ đỡ” của trăm đứa con vùng sơn cước

Bỏ lửng câu chuyện, chúng tôi lại theo chị Vân Anh về phòng khám. Chưa gặp chị Biết lần nào, nhưng sự nhanh nhẹn, hoạt bát khi thăm khám bệnh nhân chúng tôi nhận ngay ra chị Biết. Vừa bước vội, nữ y sỹ gần 50 tuổi đời, hơn 20 tuổi nghề y vừa gọi to vừa chỉ định: “Chị Phương chuẩn bị đồ đón bé, anh Trọng chuẩn bị thuốc thang nhé!”.

Bên cạnh đó mẹ Biết còn ân cần động viên thai phụ làm người nhà an tâm hơn. Nhưng nhìn nét mặt của chị Biết, cùng với những bước chân vội vàng của chị, chúng tôi cảm nhận được đây là một ca sinh khó. Mất khá nhiều thời gian, mồ hôi thấm áo, rỉn trên khuôn mặt chị Biết, em bé cất tiếng khóc chào đời, với trọng lượng 3,5 kg. Gia đình, người thân sản phụ vỡ òa niềm vui sướng. Y sỹ Biết hì hụi cả tiếng đồng hồ để cầm máu và làm các thao tác hồi sức cho sản phụ khi về phòng bệnh.

Đời sống nhân dân tại đây còn nhiều khó khăn, bên cạnh đó trình độ dân trí thấp, còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu nên trong quá trình triển khai công tác khám chữa bệnh mẹ đỡ và đồng nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Đời sống nhân dân tại đây còn nhiều khó khăn, bên cạnh đó trình độ dân trí thấp, còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu nên trong quá trình triển khai công tác khám chữa bệnh "mẹ đỡ" và đồng nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Căn phòng làm việc của mẹ Biết rộng chưa đầy 3m2 mà đủ loại, nào dụng cụ, đồ dùng, thuốc thang, giấy tờ, nhưng được xếp gọn gàng trong từng góc nhỏ. Vừa nhanh tay xếp gọn các dụng cụ y tế vào chiếc hòm nhỏ xinh để chuẩn bị cho ca đỡ tiếp theo, chị Biết tâm sự: “Tôi vốn không sinh ra và lớn lên nơi miền non cao xa xôi này, nhưng tôi cũng là người con của bản mường, nên hơn ai hết tôi thấu hiểu nỗi vất vả của đồng bào các dân tộc thiểu số, sinh sống ở các xã vùng cao của tỉnh Nghệ An. Do cuộc sống và trình độ dân trí còn hạn chế nên các hủ tục lạc hậu vẫn chưa thể xóa được. Trong đó vấn đề sinh con cũng tồn tại nhiều hủ tục. Bà con dân bản thường tự “vượt cạn” ở nhà nên sẽ rất nguy hiểm cho cả sản phụ cũng như thai nhi. Bên cạnh đó việc chữa bệnh bằng các bài thuốc dân tộc, hay mời thầy mo về cúng. Cái khó ở đây là mình làm sao để thay đổi được nhận thức của bà con dân bản đó mới là việc làm khó nhất. Họ có tin mình thì mới đưa bệnh nhân đến phòng khám”.

Cách đây 30 năm về trước, cô gái Thái sinh năm 1964 Vy Thị Biết - xã Châu Kim, huyện Quế Phong đã vượt hàng trăm km đường rừng xuôi về Thành phố theo học Trường trung cấp Y tế Nghệ An. Sau 3 năm đèn sách, vượt nhiều gian nan chị Biết được tiếp nhận vào làm việc ở bệnh viện huyện Quế Phong.

Năm 1991, theo tiếng gọi của trái tim, chị bén duyên cùng chàng y sỹ Thái và theo về làm dâu ở tận xã Hữu Khuông (huyện Tương Dương, Nghệ An), xã được xem là khó khăn và xa xôi nhất của huyện miền núi Tương Dương. Để phục vụ công tác chăm sóc y tế cho bà con vùng cao, huyện Tương Dương có quyết định thành lập Phòng khám đa khoa khu vực đặt ở bản Xiêng Lằm, xã Hữu Khuông. Với những thành tích đã đạt được trong những năm theo học và thời gian công tác ở Bệnh viện đa khoa Quế Phong, chị Biết được nhận vào làm tại Phòng khám này.

Giữa bốn bề núi rừng, bà con phần lớn là dân tộc Khơ Mú, Mông nên sự bất đồng về ngôn ngữ làm chị không ít lần nước mắt chảy ngược. Chị tâm sự: “Ngày mới về khổ lắm, làm việc trong cái thiếu thốn đến cùng cực, máy móc, dụng cụ hoàn toàn không có. Với lại đường xá quá phức tạp, nhiều bản đi gần cả ngày đường mới đến được phòng khám nên nhiều lúc nghẹn đắng lòng nhìn bệnh nhân vật vã với bệnh tật mà chỉ biết cố vận dụng hết kinh nghiệm và trình độ đã được học để chữa trị.

Còn nhớ có lần có một thai phụ do tự đỡ đẻ ở nhà, đã bị vỡ thành tử cung, nhiễm trùng nặng, băng huyết, em bé bị uốn ván rốn. Khi chuyển được đến phòng khám thì mẹ đã không cứu được mà gia đình quá nghèo, đến cả đồ cho người xấu số cũng không có, chúng tôi ở đây lại phải góp tiền mua đồ mai táng cho gia đình và vừa điều trị vừa chăm sóc, nuôi người nhà ăn uống trong thời gian ở lại điều trị cho đứa bé”.

Đã có hàng trăm đứa trẻ nơi đây được chị Biết đón đến cuộc đời, chúng vẫn gọi gọi chị với cái tên thân thương mẹ Biết.
Đã có hàng trăm đứa trẻ nơi đây được chị Biết đón đến cuộc đời, chúng vẫn gọi gọi chị với cái tên thân thương "mẹ Biết".

Trước đây người dân trong xã chỉ biết dùng lá cây rừng hay nhờ thầy mo cúng cho khỏi bệnh mỗi khi bị ốm đau. Khi phụ nữ có thai không thăm khám, sinh đẻ chỉ có các bà cụ đỡ ở nhà, chứ hai từ “Bác sỹ”, họ cho là “nghe lạ tai lắm”, nên xảy ra nhiều tai biến, như chảy máu nhiều, uốn ván rốn, thậm chí nhiều thai phụ đã không thể “vượt cạn”.

Bằng cái tâm và kinh nghiệm nhiều năm công tác của mình, chị Biết đã không quản ngại đến từng bản, lên từng khoảng rẫy để tuyên truyền. Nói là tuyên truyền, nhưng chủ yếu là tâm sự, chia sẻ và khuyên chân tình là chính. Nhiều khi còn bị phớt lờ, cho là “hoang tưởng”, nhưng chị đã bỏ “cái tôi” đi để tìm “cái ta”, giải thích và còn dẫn rất nhiều ca ốm đau và sinh đẻ gặp rủi ro cho bà con. Thấy được sự chân tình, hết mình của nữ y sỹ Biết, lâu dần bà con cũng hiểu và làm theo. Đặc biệt còn rất kính nể, phục và gọi chị Biết với cái tên rất “máu thịt” là “mẹ Biết”.

Giờ đây, mọi sự đã thay đổi, chăm sóc y tế tại xã Hữu Khuông, nơi được xem là khó khăn nhất của huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức của đồng bào trong việc chăm sóc sức khỏe, thăm khám thai định kỳ, kế hoạch hóa gia đình tốt hơn. Khi tiếp xúc với Bác Sỹ Nguyễn Quốc Dương - Giám đốc Trung tâm y tế huyện Tương Dương hết lời khen ngợi nhân viên, đồng nghiệp của mình: “Ở huyện miền núi Tương Dương hiện có hàng trăm Y, bác sỹ, nữ hộ sinh đang công tác ở các Phòng khám, Trạm y tế xã, cũng có rất nhiều y, bác sỹ tận tụy với bệnh nhân, nhưng y sỹ Biết - Trưởng Phòng khám đa khoa Hữu Khuông lại đặc biệt hơn là chị sẵn sàng hết mình vì bệnh nhân, nhất là công tác hộ sinh. Hàng nằm trên địa bàn xã Hữu Khuông có ít nhất phải có đến 20-30 ca đẻ, hơn 2.500 lượt khám và điều trị tại Phòng khám mà ở Phòng khám chỉ có 7 cán bộ, nên phần lớn chị Biết đều tận tay đỡ và thăm khám. Đặc biệt chị Biết đã làm thay đổi nếp nghĩ của bà con, bà con đã bỏ các hủ tục lạc hậu. Nhiều việc làm của chị Biết rất nể phục để đội ngũ “mẹ hiền” cần noi gương chị Biết”

Được dịp cùng “mẹ Biết” trên những con đường gập ghềnh đầy đá sỏi, vượt những con suối nước lớn đến một số bản của Hữu Khuông để tuyên truyền vận động người dân về công tác khám chữa bệnh, chúng tôi mới thấy hết được những nỗi nhọc nhằn của chị và đồng nghiệp công tác ở miền non cao này. Nhưng với chị Biết đã gần 30 năm công tác tại trong ngành y, chị không còn nhớ mình đã phải vượt bao quả núi, bao nhiêu khe suối để tận tay “làm mẹ” bao nhiêu đứa con ở xã Hữu Khuông này, nhưng cứ mỗi một sinh linh được chào đời là bấy nhiêu niềm vui với chị, niềm vui đó cũng được sánh ngang bằng thành tích, danh hiệu mà nhiều năm liền chị được ghi nhận; Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, giấy khen của UBND tỉnh, huyện và các ngành tặng thưởng. Nhưng với chị, khi được người dân gọi với cái tên “mẹ đỡ” đó là sự ghi nhận lớn nhất mà chị mong muốn nhận được trong suốt thời gian công tác của mình.

May Huyền- Khánh Hiền