1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Mẹ đắp dọc mùng chữa nhọt, con bị hoại tử vùng mông

(Dân trí) - Thấy con bị mọc nhọt ở vùng mông trái kèm theo sốt, thay vì đưa con đến Trạm y tế, mẹ cháu Vàng Quáng V (18 tháng tuổi, ở Hà Giang) đã lấy kim thêu chọc cho vỡ nhọt. Sau đó chị lấy lá cây dọc mùng và một số lá khác giã nát, đắp để chữa nhọt cho con.

 

Chỉ vì chích nhọt, đắp lá mà bé trai bị nhiễm trùng máu, hoại tử da nguy kịch. Ảnh: L.M
Chỉ vì chích nhọt, đắp lá mà bé trai bị nhiễm trùng máu, hoại tử da nguy kịch. Ảnh: L.M

Sau khi được mẹ chữa nhọt bằng cách chọc vỡ và đắp lá, vùng nhọt của bé V sưng to. Khi gia đình đưa bé lên bệnh viện tỉnh, trẻ đã rơi vào tình trạng sốt cao, li bì. Các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị bệnh áp-xe mông trái, sốc nhiễm khuẩn. Sau 3 ngày điều trị không tiến triển, bé V được chuyển lên BV Nhi Trung ương trong tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm trùng. Vùng áp xe tại mông cháu bé hình thành khối mủ to.

Dù đã được chống sốc, dùng thuốc kháng sinh, truyền dịch, truyền máu và rạch dẫn lưu mủ ở vùng mông do áp-xe nhưng da vùng mông và đùi trái của trẻ tiếp tục hoại tử. Lúc này, các bác sĩ đã chỉ định mổ cắt lọc tổ chức hoại tử này.

BS Hoàng Hải Đức, Phó trưởng khoa Chỉnh hình Nhi (BV Nhi Trung ương) cho biết, tổn thương hoại tử của bệnh nhi khá nặng nề, phức tạp. Do đắp lá không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh nên tình trạng viêm nhiễm da của bệnh nhi lan rộng, dẫn đến nhiễm trùng máu, gây hoại tử da trên diện rộng và các tổ chức phần mềm.

Các bác sĩ đã phải phẫu thuật 2 lần mới khống chế được vùng da hoại tử lan rộng. Tuy nhiên hiện nay, vết mổ của bệnh nhân vẫn còn thiếu da, các bác sĩ tiếp tục chăm sóc, điều trị kháng sinh, chống nhiễm trùng, đợi khi thích hợp sẽ tiếp tục tiến hành ghép da cho bệnh nhi.

Theo BS Đức, thói quen chữa bệnh cho con theo kinh nghiệm dân gian hoặc bài thuốc gia truyền của các “thầy lang” rất nguy hiểm. Bởi việc tự chữa bệnh bằng đắp lá theo đồn thổi, hay dù là thuốc của “thầy lang” nhưng người chữa bệnh không được đào tạo cơ bản về chuyên khoa y tế, khó có thể nhận biết mức độ thương tổn của vết thương cũng như tình trạng bệnh lý của người bệnh để điều trị, khiến vết thương viêm nhiễm lan rộng hơn hoặc từ không viêm nhiễm trở nên viêm nhiễm. Lúc này, nếu không được điều trị kịp thời dẫn đến nhiễm trùng huyết, gây ra viêm mủ màng tim, áp-xe phổi, viêm mủ màng phổi, viêm xương tủy xương, thậm chí…tử vong.

Trường hợp bệnh nhi này được đắp lá chữa nhọt không phải là cá biệt, vì mỗi tháng khoa Chỉnh hình Nhi tiếp nhận 1-2 trường hợp nhập viện do gia đình tự ý đắp lá, đắp cao khi trẻ bị thương, gây ra viêm tấy lan rộng, tạo thành ổ áp-xe. Khi bị tổn thương viêm nhiễm, tạo ổ áp-xe có mủ, nhiều bệnh nhân đã bị nhiễm trùng huyết, bị hoại tử, phải cắt bỏ chi do biến chứng nặng.

Trước đó, tại BV Bạch Mai các bác sĩ cũng tiếp nhận bệnh nhân bị tổn thương khối u cột sống nặng nề, khiến người bệnh gần như gãy cột sống, không thể đứng, ngồi, nằm cũng đau đớn. Nguyên nhân là khi đi khám bệnh, được phát hiện khối u cột sống nhỏ, bác sĩ khuyên phẫu thuật nhưng bệnh nhân từ chối phẫu thuật về nhà đắp lá chữa bệnh. Sau 6 tháng kiên trì đắp lá, khối u phát triển to, xâm lấn vào ổ bụng khiến bệnh nhân này không thể đi đứng, ngồi cũng không yên, nằm cũng đau đớn…Khi nhập viện, cột sốt bệnh nhân có thể gãy bất cứ lúc nào vì khối u ăn sâu, xâm lấn.

Tuyệt đối không chích, nặn mụn non

Các bác sĩ khuyến cáo khi xuất hiện mụn nhọt ở người lớn hay trẻ em thì không nên chích, nặn mụn non. Bởi khi chích, nặn mụn non sẽ có nguy cơ gây nhiễm trùng, từ ổ nhiễm trùng này vi khuẩn có thể xâm nhập vào đường máu, gây nhiễm khuẩn huyết rất nguy hiểm do hàng rào bảo vệ trong cơ thể chưa hình thành rõ.

Các mụn nhọt thường do tụ cầu gây ra. Bình thường khi sưng nề, cơ thể sẽ tự tạo hàng rào khu trú ổ nhiễm khuẩn lại và tạo thành các ngòi mủ. Các mụn nhọt khi đang sưng tấy cần được điều trị bằng những kháng sinh phù hợp và chỉ khi hàng rào bảo vệ đã hình thành rõ và đã hình thành ổ mủ mới nên chích nặn.

Ngoài ra, khi chăm sóc tổn thương mụn nhọt, vết thương hở… cũng cần đảm bảo bàn tay sạch để phòng ngừa nguy cơ vi khuẩn xâm nhập qua tổn thương vào máu gây nhiễm trùng huyết.

Hồng Hải