1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Mẹ có con co giật sau ăn bánh su kem: Tính mạng không thể đo đếm thiệt hại

Hoàng Lê

(Dân trí) - "Mình muốn biết trong bánh có gì mà dù còn hạn sử dụng, được bọc nilon nguyên vẹn, không bị biến đổi mùi vị, vẫn bị nhiễm khuẩn gây ngộ độc như vậy?", người mẹ đang nuôi con trong bệnh viện chia sẻ.

Liên quan đến sự việc bé P.N.Q. (6 tuổi) tử vong sau khi ăn bánh su kem phát trong chương trình Trung thu tại chung cư Palm Heights (TP Thủ Đức) tối 29/9, nguồn tin của phóng viên Dân trí cho biết, đại diện Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã có báo cáo cụ thể quá trình 2 lần tiếp nhận điều trị cho trường hợp này.

Hoảng hốt nhìn con co giật trước mắt

Ngoài trường hợp tử vong, theo thông tin từ Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, có 48 trường hợp gặp triệu chứng rối loạn tiêu hóa sau khi ăn bánh su kem. Trong số này, 19 người đã nhập viện.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, chị N.T.H., phụ huynh bé M.A. (4 tuổi, ngụ TP Thủ Đức), cho biết, đến nay con chị vẫn nằm điều trị, theo dõi tại khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2. Những ngày qua, chị H. đã sống trong sợ hãi, khi chứng kiến sức khỏe của con bất ngờ chuyển biến xấu.

Mẹ có con co giật sau ăn bánh su kem: Tính mạng không thể đo đếm thiệt hại - 1

Con gái chị H. điều trị tại bệnh viện (Ảnh: T.H).

Theo lời kể của người mẹ, sau khi tham gia đêm Trung thu tại chung cư Palm Heights đêm 29/9, một người nhà của chị H. có mang 3 bánh su kem thương hiệu Givral sang nhà chị.

Trưa 30/9, bé A. có ăn 1/2 cái bánh su kem kể trên, đến tối thì than đau bụng. Khoảng 1h ngày 1/10, con gái chị H. xuất hiện tình trạng nôn hết thức ăn, sau đó tiêu chảy liên tiếp 3 lần, được mẹ cho ăn cháo và uống nước bù điện giải.

Nhưng khoảnh khắc lo lắng nhất của chị H. là khi bé A. bất ngờ lên cơn co giật vào khoảng 1h30 chiều 1/10.

"Lúc ấy bé đã mất ý thức, co giật ngay trong lòng tôi, lay gọi mãi mà vẫn không trả lời. Lần đầu tiên trong đời tôi hoảng thật sự", người mẹ kể.

Quá lo lắng cho con, mặc trời mưa gió, vợ chồng chị H. đưa bé đến một bệnh viện tư nhân gần nhà cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bé nghi ngờ viêm màng não. Không yên tâm, chị H. chuyển con sang Bệnh viện Nhi đồng 2 cấp cứu.

Mẹ có con co giật sau ăn bánh su kem: Tính mạng không thể đo đếm thiệt hại - 2

Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2 (Ảnh: Hoàng Lê).

"Sức khỏe, tính mạng không thể đo đếm thiệt hại"

Theo chị H., sau khi thăm khám, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 chẩn đoán bé bị viêm đường ruột.

"Lúc mới nhập Nhi đồng 2, người bé xụi lơ, mềm nhũn, kim đâm 2 lần, xoa nắn đủ kiểu vẫn không ra chút máu nào. Đến khi truyền nước thì bác sĩ mới lấy được máu đi xét nghiệm. Bé nhà tôi tỷ lệ nhiễm trùng cao nên phải tiêm kháng sinh liều mạnh", chị H. kể lại thời điểm đưa con đi cấp cứu.

Cũng theo chị H., ban đầu chị chỉ nghĩ con bị rối loạn tiêu hóa thông thường. Đến khi đọc thông tin trên báo, người mẹ mới phát hiện con cũng ăn bánh su kem trước khi có triệu chứng ngộ độc, giống nhiều bệnh nhân khác.

Đến thời điểm này, dù Sở Y tế TPHCM đã nhận định nguyên nhân xảy ra sự việc ngộ độc hàng loạt trong vụ việc trên nhiều khả năng là nhiễm khuẩn bánh su kem, chị H. vẫn mong chờ câu trả lời cụ thể hơn trong sự việc con chị gặp nạn.

Mẹ có con co giật sau ăn bánh su kem: Tính mạng không thể đo đếm thiệt hại - 3

Con gái chị H. vẫn đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (Ảnh: T.H).

"Mình muốn biết trong bánh có gì mà dù còn hạn sử dụng, được bọc nilon nguyên vẹn, không bị biến đổi mùi vị, vẫn bị nhiễm khuẩn gây ngộ độc như vậy? Thím của bé ăn bánh su kem cũng đang nằm viện điều trị.

Từ hôm xảy ra sự việc, mọi chi phí lo cho con mình đều tự xử lý. Nếu kết luận nguyên nhân gây ngộ độc do bánh, đơn vị sản xuất phải có trách nhiệm xử lý theo quy định pháp luật. Còn sức khỏe, tính mạng thì không thể đo đếm thiệt hại", chị H. chia sẻ.

Sáng 4/10, Sở Y tế TPHCM đã triệu tập khẩn hội đồng các chuyên gia để tiếp tục đánh giá nguyên nhân gây ngộ độc trong vụ việc trên.

Các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về ngộ độc thực phẩm tại TPHCM thống nhất nhận định, đây là trường hợp ngộ độc thực phẩm hàng loạt, diễn biến phức tạp và khó nhận biết hơn so với các trường hợp ngộ độc thực phẩm hàng loạt trước đây.

Về loại thực phẩm nào gây ra ngộ độc trong trường hợp này, các chuyên gia nhận định, khả năng cao là từ bánh su kem (loại trừ do xúc xích nướng, nước uống cũng được dùng trong tiệc Trung thu).

Về nguyên nhân gây ra ngộ độc sau ăn bánh su kem, khả năng cao bánh đã bị nhiễm khuẩn. Cơ quan chức năng loại trừ khả năng bánh su kem mới bị nhiễm khuẩn tại nơi tổ chức tiệc Trung thu, mà đã bị nhiễm khuẩn trước đó.

Hiện tại, vẫn còn 17 trẻ đang nằm điều trị tại các Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Lê Văn Thịnh và Bệnh viện Nhân dân Gia Định.