Mẹ bầu lo lắng lây nhiễm virus corona từ mẹ sang con

(Dân trí) - PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, nhiều mẹ bầu chia sẻ lo lắng nguy cơ virus corona tấn công, lây từ mẹ sang con. Thực hư vấn đề này như thế nào?

Do tính chất nghiêm trọng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới coronavirus gây ra, nhiều bà mẹ đang mai thai vô cùng lo lắng không biết liệu có cơ chế lây từ mẹ sang con không?

Trên nhiều diễn đàn, các bà mẹ mang thai bày tỏ lo lắng khi thai còn dưới 12 tuần, lo ngại nguy cơ lây nhiễm virus corona và lây sang thai nhi, nhiều mẹ bầu không dám bước chân ra khỏi nhà, nghỉ việc.

Mẹ bầu lo lắng lây nhiễm virus corona từ mẹ sang con - 1

PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc BV Phụ sản Trung ương.

Về vấn đề này, PGS.TS.GVCC Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Trưởng bộ môn Phụ sản Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, đến nay, chưa có bằng cứ khoa học để chứng minh virus có thể lây từ mẹ sang con.

"Tuy nhiên, theo quy luật chung, một bệnh lý nhiễm trùng do bất kỳ nguyên nhân gì không cứ là corona, có thể là cúm hay dịch bệnh khác…thì những ảnh hưởng đến thai thông thường ở những giai đoạn rất sớm, trong những tuần đầu, 3 tháng đầu. Những ảnh hưởng đó là hậu quả chứ không phải trực tiếp", PGS Cường khuyến cáo.

Chuyên gia này phân tích, có 3 yếu tố gây ra hậu quả khi người mẹ bị ốm:

Thứ nhất đó là nhiệt độ

Đa số khi nhiễm bệnh các bà mẹ đều sốt. Nếu nhiệt độ quá cao hay sốt kéo dài sẽ ảnh hưởng đến thai nhi, cho nên bắt buộc phải hạ sốt. Không để sốt kéo dài.

Thứ hai là độc tố của virus

Những độc tố của các loại virus thường gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai theo quy luật “tất cả hoặc là không”. Tất cả nghĩa là là thai có thể hỏng do ảnh hưởng của độc tố quá mạnh. Còn không thì có nghĩa là không bị làm sao.

Đặc thù của virus

Với virus corona, đặc thù là có thể gây ra viêm phổi rất nặng. Đặc biệt đối với phụ nữ có thai thì miễn dịch tương đối giảm. Khi bị viêm phổi  sẽ dẫn đến suy hô hấp, thiếu ô-xy, chính điều này sẽ dẫn tới ảnh hưởng đến sự phát triển của thai như thai chết lưu vì thiếu ô-xy. Thiếu ô-xy có thể gây ra gián đoạn sự phát triển của thai kỳ khiến dị dạng chứ không phải do virus.

Vì thế, đến nay, dù chưa có bằng chứng nào cho rằng coronavius có thể lây trực tiếp cho em bé mà chủ yếu là gián tiếp thông qua 3 vấn đề trên, nhưng vấn đề đặt ra là chúng ta ứng xử thế nào đối với người phụ nữ đang trong thời gian thai kỳ mà bị dương tính với nCoV.

Sẽ sàng lọc sau điều trị

Theo PGS Cường, trong trường hợp phát hiện phụ nữ mang thai nhiễm virus corona, các phương pháp điều trị hiện có đều nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe của người mẹ.

Theo đó, vừa phải tiến hành điều trị coronavirus và giữ thai. "Trong trường hợp này, sau khi điều trị khỏi corona chúng ta mới sàng lọc thai nhi giống những trường hợp thai nghén bình thường", PGS Cường nói.

Theo đó, sau quá trình điều trị thai phụ sẽ được làm xét nghiệm, siêu âm, thăm dò để sàng lọc xem thai nhi có bất thường gì không, những bất thường có thể ngẫu nhiên đối với những người phụ nữ đó chứ không hẳn là do virus corona và chúng ta làm đầy đủ các quy trình sàng lọc của thai nhi giống Bệnh viện vẫn đang làm cho các sản phụ đến khám.

Vì thế, chị em phụ nữ mang thai không nên quá lo lắng, vẫn phải đi khám thai định kỳ theo đúng lịch hẹn của bác sĩ vì các cơ sở y tế đều có đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch.

Phụ nữ mang bầu miễn dịch giảm, nên cũng cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm virus corona. Theo đó, cần rửa tay xà phòng thường xuyên, đeo khẩu trang đúng cách; hạn chế đi đến những nơi đông người khi không thực sự cần thiết. Nếu có đi, cần thực hiện triệt để các biện pháp phòng dịch.

Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, ngay từ trước Tết Nguyên đán, Bệnh viện đã bố trí phòng cách ly tại khu vực phòng khám đảm bảo riêng biệt, thuận tiện cho việc tiếp nhận cũng như di chuyển người bệnh. Ngoài ra còn bố trí phòng cách ly tại khoa sản nhiễm khuẩn. Bệnh viện tổ chức phân loại người bệnh ngay từ khi người bệnh đến đăng ký khám, kiểm tra nhiệt độ cơ thể, khai thác yếu tố dịch tễ của người bệnh, truyền thông rộng rãi cho người bệnh,người nhà người bệnh, nhân viên y tế bằng cách in tờ rơi, poster, phát loa hàng ngày từ 6h sáng, trên Fanpage hay website của Bệnh viện. 

"Chúng tôi cũng đã xây dựng kịch bản và diễn tập giả định nếu có trường hợp thai phụ dương tính với nCov thì sẽ phải làm gì và khi chuyển dạ sẽ phải xử trí như thế nào. Bệnh viện đều đã xây dựng quy trình khám phát hiện, tiếp nhận, lấy mẫu bệnh phẩm, bảo quản, vận chuyển, chẩn đoán, xử trí, theo dõi em bé nếu người mẹ bị dương tính với virus corona", PGS Cường cho biết.

Hải Hương