Máy cắt cỏ chém rớt bàn chân một phụ nữ

Chồng cắt cỏ, người vợ đứng gần đó đã bị lưỡi dao máy cắt cỏ văng ra chém rớt bàn chân khiến chị quỵ tại chỗ.

Ngày 19-4, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết đang điều trị cho nạn nhân Nguyễn Thị Hoàng Oanh (SN 1979, ngụ Định Quán, Đồng Nai) do bị máy cắt cỏ chém rớt bàn chân. Cùng nhập viện với chị Oanh là chồng chị, anh Nguyễn Nam (SN 1974), bị bể mắt cá chân trong cùng vụ tai nạn.

Bàn chân đã được nối nhưng bác sĩ vẫn đang theo dõi
Bàn chân đã được nối nhưng bác sĩ vẫn đang theo dõi

Trước đó, ngày 18-4, anh Nam lấy máy cắt cỏ còn chị Oanh gom cỏ vào bao cho bò ăn. Trong lúc anh Nam cắt cỏ thì lưỡi dao bị gãy văng ra hai hướng. Chị Oanh đứng gần đó bị lưỡi dao chém rớt bàn chân khiến chị ngã quỵ xuống đất. Anh Nam bị thương nhẹ hơn nhưng cũng rất trầm trọng.

Do nhà xa nên khoảng 1 tiếng sau, vợ chồng chị Oanh mới được đưa đến Bệnh viện Định Quán cấp cứu. Sau đó anh chị được đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị. Hiện các bác sĩ đã làm phẫu thuật, nối bàn chân bị đứt lìa cho chị Oanh.

Chị Oanh đang được điều trị do máy cắt cỏ chém lìa bàn chân



Chị Oanh đang được điều trị do máy cắt cỏ chém lìa bàn chân

Bác sĩ Trần Văn Bé Bảy, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình - Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết: “Bệnh viện thường xuyên tiếp nhận, điều trị cho các nạn nhân bị tai nạn trong sinh hoạt như bị máy cắt gạch, cắt kính, máy xay bột, máy cắt cỏ chém rớt lìa bàn tay, bàn chân. Sau khi cấp cứu chúng tôi sẽ tiến hành làm sạch vết thương, nối phần đứt lìa cho nạn nhân”.

Theo bác sĩ Bảy, một số ca bệnh thường gặp khó khăn do vết thương bị dập nát hoặc sau khi nối nạn nhân có thể bị hoại tử, nhiễm trùng uốn ván…
 
“Cách tốt nhất sau khi bị đứt lìa tay, chân thì nên để phần bị đứt vào túi ni lông sạch sau đó chườm nước đá vào. Nếu phần đứt còn dính vào cơ thể thì cũng làm tương tự. Nên đưa đến bệnh viện trước 2 tiếng sau khi xảy ra tai nạn, một số trường hợp sau 4 tiếng vẫn có thể cứu chữa”, bác sĩ Bảy nói.

Theo Phạm Dũng
Người lao động