Mâu thuẫn cá nhân, thanh niên bị đâm thấu tim
(Dân trí) - Hai thanh niên có mâu thuẫn từ trước nên khi gặp nhau thì gây sự rồi lao vào hỗ chiến. Trong lúc đang giằng co thì Huỳnh Văn R. bị đối phương rút dao đâm một nhát thấu tim phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng đặc biệt nguy kịch.
Đó là trường hợp của bệnh nhân Huỳnh Văn R. (30 tuổi, ngụ tại huyện Cần Đước, tỉnh Long An). Được biết, thanh niên này và một người khác cùng địa phương có mâu thuẫn từ trước nên khi gặp nhau hai bên lời qua tiếng lại rồi lao vào hỗn chiến. Trong lúc giằng co, Văn R. bị đối phương rút dao đâm một nhát chí mạng vào ngực trái.
Ngay lập tức nạn nhân ôm ngực gục tại chỗ, được người dân chuyển đến Trung tâm Y tế Huyện Cần Đước cấp cứu. Tiếp nhận người bệnh trong tình trạng vết thương ngực trái, chảy nhiều máu, lơ mơ… sau khi thăm khám bác sĩ xác định bệnh nhân bị vết thương tim đe dọa tính mạng. Cùng với nỗ lực cấp cứu ban đầu, Trung tâm Y tế huyện Cần Đước chủ động liên hệ với Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM thông báo về tình trạng khẩn nguy của người bệnh cần phải chuyển đến Chợ Rẫy.
Ngày 8/12, BS Lê Phước Đại, khoa Cấp cứu của bệnh viện cho hay: “Sau khi nhận cuộc gọi từ đồng nghiệp ở tuyến cơ sở thông báo về trường hợp bệnh nhân có vết thương tim và những chẩn đoán ban đầu, chúng tôi đã chủ động chuẩn bị nhân vật lực từ các chuyên khoa sẵn sàng ứng cứu. Bệnh nhân được chuyển đến trong tình trạng phải bóp bóng nội khí quản, huyết áp tụt với các biểu hiện choáng tim”.
Qua thăm khám, bác sĩ ghi nhận vùng liên sườn trái (vị trí 4 và 5) của bệnh nhân có vết thương hở khoảng 2cm. Kết quả kiểm tra hình ảnh, siêu âm tim tại giường cấp cứu xác định, bệnh nhân bị tràn dịch màng tim lượng nhiều. Chỉ sau khoảng 5 phút kể từ thời điểm bệnh nhân được chuyển đến Chợ Rẫy các bác sĩ đã thực hiện cuộc phẫu thuật cấp cứu khẩn nguy.
Trong quá trình phẫu thuật, ê kíp ghi nhận, nhát dao chí mạng đã đâm qua thành ngực, xuyên thấu thất phải, gây tràn máu màng phổi trái. Sau khi khâu lại vết thương tim, bác sĩ tiến hành đặt dẫn lưu dịch màng phổi, đóng lại lồng ngực cho người bệnh. Sau phẫu thuật hiện sức khỏe của bệnh nhân đã bình phục tốt.
BS Phước Đại chia sẻ: “Đây là ca bệnh khẩn nguy, nếu can thiệp muộn hơn, cơ hội sống của người bệnh gần như sẽ khép lại. Bệnh nhân được cứu sống là nhờ tuyến y tế cơ sở đã chủ động phối hợp, cung cấp thông tin và những chẩn đoán ban đầu về tình trạng của người bệnh nên chúng tôi có thời gian chuẩn bị cũng như biết cần phải chuẩn bị nhân sự và trang thiết nào cho việc ứng cứu”.
“Qua trường hợp trên, chúng tôi rất mong các đồng nghiệp tuyến cơ sở, nếu tiếp nhận những ca bệnh nặng cần chuyển viện thì nên chủ động thông báo cũng như cung cấp thông tin về tình trạng bệnh nhân, những chẩn đoán ban đầu… để bệnh viện tuyến trên chủ động các phương án tiếp nhận và xử lý. Chỉ một cuộc gọi ngắn nhưng sẽ giúp ích rất nhiều cho công tác chuyên môn vì nơi tiếp nhận người bệnh sẽ có thời gian chuẩn bị, rút ngắn các công đoạn chẩn đoán, góp phần mang lại nhiều cơ hội sống cho người bệnh”.
Vân Sơn