Màu nước tiểu báo dấu hiệu suy thận
(Dân trí) - Thận là cơ quan quan trọng giúp lọc máu, loại bỏ chất độc và duy trì cân bằng chất lỏng trong cơ thể. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến sức khỏe của thận cho đến khi có vấn đề xảy ra.
Theo Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, nước tiểu có thể thay đổi màu sắc vì nhiều lý do, bao gồm mất nước, thức ăn, hoặc do đồ uống bạn mới tiêu thụ hoặc các lý do khác.
Nước tiểu cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo về sức khỏe thận. Sự gia tăng protein, đường và tế bào máu có thể làm thay đổi màu sắc của nước tiểu hoặc làm nước tiểu sẫm màu hơn. Đôi khi sự thay đổi màu sắc này có thể có nghĩa là thận của bạn không hoạt động tốt như bình thường.
Nước tiểu có màu gì khi bị suy thận?
Nếu nước tiểu của bạn có màu hổ phách đậm, đỏ hoặc nâu, đây có thể là dấu hiệu cho thấy thận của bạn đang suy.
Tuy nhiên không phải tất cả nước tiểu sẫm màu đều là triệu chứng liên quan đến bệnh thận. Nước tiểu màu vàng đậm hơn cũng có thể là do bạn bị mất nước.
Đối với một số người, nước tiểu có thể chuyển sang màu đỏ sau khi ăn thực phẩm có phẩm màu và nước tiểu cũng có thể đổi màu do thuốc đang dùng.
Nguyên nhân khiến nước tiểu đổi màu khi bị suy thận?
Thận thường loại bỏ chất thải lỏng ra khỏi cơ thể và giữ cân bằng khoáng chất, muối và nước. Nếu thận bị suy, chúng có thể giữ lại chất lỏng và chất thải có hại, tích tụ trong cơ thể.
Nếu điều này xảy ra, nước tiểu có thể chứa nhiều protein, chất độc và máu, khiến nước tiểu đổi màu, trở nên sẫm màu hơn, nâu hoặc thậm chí hơi đỏ.
Các tình trạng khác của cơ thể phản ánh qua nước tiểu
Nước tiểu trong và có màu vàng nhạt, có nghĩa là cơ thể đủ nước và thận hoạt động tốt.
Bên cạnh đó, còn có các tình trạng khác của nước tiểu cảnh báo vấn đề trong cơ thể:
- Màu vàng đậm: Có thể bạn đang bị mất nước và cần uống nhiều nước hơn
- Màu hồng đến hơi đỏ: Có thể do bạn đã ăn thứ gì đó hoặc có thể có máu trong nước tiểu, cần xét nghiệm máu để xác định chính xác.
- Màu xanh lam: có thể do bạn tiêu thụ thứ gì đó có thuốc nhuộm thực phẩm không tan trong quá trình tiêu hóa.
- Có bọt: Nếu nước tiểu nhiều bọt, có thể nước tiểu có chứa protein. Có protein trong nước tiểu có thể là triệu chứng của suy thận.
Các triệu chứng khác của suy thận?
Trong giai đoạn đầu của bệnh suy thận, có rất ít triệu chứng. Khi bệnh thận tiến triển, ngoài những thay đổi rõ rệt về màu nước tiểu, có thể có triệu chứng khác, bao gồm: Ít nước tiểu; ứ nước khiến chân, mắt cá chân và bàn chân sưng lên; khó ngủ; chuột rút, đặc biệt vào ban đêm; mệt mỏi nghiêm trọng hoặc buồn ngủ; buồn nôn thường xuyên, kéo dài...
Các thói quen để bảo vệ thận
Thận đóng vai trò quan trọng trong việc lọc máu và loại bỏ chất thải. Duy trì các thói quen tốt dưới đây sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe thận:
- Uống đủ nước: Uống 1,5-2l nước mỗi ngày để hỗ trợ thận loại bỏ độc tố. Tránh uống quá nhiều cùng lúc để giảm áp lực lên thận.
- Ăn uống lành mạnh: Hạn chế muối, đường, thực phẩm chế biến sẵn. Bổ sung rau củ, trái cây, và thực phẩm giàu omega-3.
- Kiểm soát huyết áp và đường huyết: Duy trì huyết áp ổn định và kiểm tra đường huyết định kỳ, đặc biệt nếu bạn bị tiểu đường.
- Tập thể dục đều đặn: Tập nhẹ nhàng 30 phút mỗi ngày để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tiểu đường.
- Hạn chế rượu bia và thuốc lá: Tránh các chất gây hại làm tổn thương thận.
- Giảm căng thẳng: Thư giãn bằng thiền, yoga hoặc nghỉ ngơi hợp lý.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Xét nghiệm máu, nước tiểu để phát hiện sớm các vấn đề.
- Giữ vệ sinh tốt: Tránh nhiễm trùng đường tiết niệu, điều trị kịp thời nếu cần.
- Tránh nhịn tiểu: Thói quen này giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng thận.
Áp dụng những thói quen này sẽ giúp bạn duy trì chức năng thận khỏe mạnh lâu dài.