Mất uy tín vì quảng cáo phóng đại
Đây là thực trạng chung của các sản phẩm chức năng bởi đã có quá nhiều người bị mắc lừa, tưởng rằng đó là thần dược, trị bách bệnh và đặc biệt là phải mua sản phẩm với giá “trên trời”.
Thầy thuốc cảnh báo
GS Nguyễn Khánh Trạch - GS đầu ngành về tiêu hoá của Bệnh viện Bạch Mai - đã gửi một lá thư với những lời cảnh báo rất đáng lưu tâm.
Giáo sư viết: “Cách đây ít ngày, một trình dược viên của Hãng thuốc Hoàng Dương Pharma LTD đến giới thiệu với tôi một loại thuốc điều trị ung thư mới do Nhật Bản sản xuất có tên Lentin Plus.
Sau khi xem xét kỹ, tôi thấy đây chỉ là thức ăn bổ dưỡng chiết xuất từ mầm lúa. Thế nhưng đã được trình dược viên giới thiệu như một thuốc tiên chữa được cả ung thư. Các tài liệu giới thiệu, tờ rơi quảng cáo của hãng nói mập mờ khiến người đọc hiểu nhầm thức ăn này cũng được coi như một thuốc thần hiệu.
Cách dùng được ghi rất rõ: Trong bệnh ung thư, AIDS, tiểu đường, viêm gan B,C và các bệnh nhiễm trùng khác, uống 1-3 gói/ngày. Nói như thế dễ làm cho người ta hiểu lầm đây là loại thuốc chữa các bệnh trên, nhưng không hề nói chỉ định dùng trong bệnh nào mà chỉ nói cách dùng.
Tôi cho rằng đây là lối làm quảng cáo mập mờ không minh bạch, nhằm kiếm lợi nhuận cao. Tôi không hiểu giá nhập khẩu là bao nhiêu, nhưng giá bán ở VN là 80.000đ/gói, trong khi thực phẩm dù bổ dưỡng đến mấy cũng chỉ đáng 10.000đ/gói. Mỗi ngày uống trung bình 3 gói hết 240.000đ. Tôi không hiểu giá này do ai quy định, ai cho phép…”.
Trong thư, GS Trạch đưa ra ý kiến rất xác đáng rằng: “Những công trình nghiên cứu khoa học mà hãng dùng để quảng cáo có thật hay không, nguồn gốc xuất xứ từ đâu, tác giả là ai, đăng ở báo nào, hội nghị nào?…Tôi hết sức nghi ngờ về tính khoa học và khách quan của những công trình nghiên cứu đó.
Hiện, tôi đang có trong tay một vài công trình nghiên cứu mà hãng mang đi quảng cáo nhằm thuyết phục các thầy thuốc như: Lentin Plus giúp hệ thống miễn dịch chống lại ung thư như thế nào? Con đường mới điều trị ung thư…
Dù cho những công trình nghiên cứu ấy là thật đi chăng nữa thì cũng mới chỉ là nghiên cứu mà thôi, chưa có cơ quan nào thừa nhận, thế mà người ta vẫn sử dụng nó để quảng cáo.
Do đó không thể cho phép lợi dụng những cái gọi là công trình nghiên cứu khoa học để quảng cáo được. Nên nhớ rằng không phải bất cứ chất nào có tác dụng tăng cường miễn dịch là chữa được đủ các thứ bệnh, nhất là bệnh ung thư…”.
Mặc sức tung hoành
Thực phẩm chức năng (TPCN) mới chỉ xuất hiện ở VN trong vài năm gần đây, nhưng cho đến nay nó đang là “nỗi đau” của không ít người tiêu dùng, người bệnh.
Để bán được hàng, các hãng dược phẩm, thực phẩm đã tung ra những lời quảng cáo rất hấp dẫn như: Nước ép Noni - cuộc cách mạng về sức khoẻ; Herbalife -vì sức khoẻ và sắc đẹp- thực phẩm dưỡng sinh số 1 Hoa kỳ; Tảo Spirulina tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ hệ tim mạch, giảm nguy cơ gây ung thư, chống lão hoá; Neuslim - thực phẩm bổ sung dinh dưỡng giảm béo, làm thon eo và đẹp vóc dáng; Figurel - săn chắc cơ bắp, tiêu thụ mỡ thừa…
Chỉ vì tin theo những lời quảng cáo tuyệt vời của sản phẩm mà những người có bệnh nặng tin dùng, những người có nhu cầu làm đẹp, giảm béo…sẵn sàng bỏ tiền ra để xài. Đến khi biết mình đã bị lừa thì số tiền đã lên đến hàng triệu đồng.
Chiêu thức kinh doanh TPCN hiện nay đang phổ biến với phương thức kinh doanh truyền tiêu (kinh doanh đa cấp, tiếp thị trực tiếp thông qua đội ngũ trình dược viên). Có thể nói đã có hàng ngàn người tham gia vào vòng xoáy của kinh doanh đa cấp.
Để trở thành các đại lý cấp cao, nhận được các khoản thưởng hậu hĩnh, được đi tham quan nước ngoài…, người tham gia phải mua hàng và giới thiệu cho nhiều người khác mua. Chính bởi lý do đó mà người nọ đã “lừa đảo” người kia để bán hàng và vô số người đã trở thành nạn nhân của cách kinh doanh này.
TPCN đang dần mất uy tín chính bởi những lời quảng cáo thổi phồng và hơn thế nữa là giá sản phẩm đang quá đắt so với giá trị thật của sản phẩm.
Ông Đỗ Gia Phan - Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng VN - nói: “Tôi sang Mỹ mua loại TPCN sụn vi cá mập chỉ có 6USD/hộp, vậy mà về VN giá hộp thuốc này lên đến 800.000đ, nước trái cây Noni ở Singapo chỉ bán có 10 đô sinh, còn ở VN bán đến 800.000đ/lọ. Đó là một giá bán đắt “cắt cổ” người tiêu dùng ”.
Cục An toàn vệ sinh thực phẩm là cơ quan cấp giấy phép và quản lý các sản phẩm TPCN lưu hành tại VN, nhưng việc làm này chưa thật hiệu quả. Các sản phẩm quảng cáo không đúng sự thật, nội dung quảng cáo chưa được cơ quan chuyên môn cấp phép vẫn tràn lan. Thậm chí khi phát hiện các sai phạm bị xử lý rồi “đâu lại hoàn đấy”.
Đây chính là hạn chế của cơ quan quản lý để từ đó các sản phẩm TPCN mặc sức tung hoành và người dân luôn là những nạn nhân của những chiêu lừa đảo của các cơ sở kinh doanh TPCN.
Theo Phương Ngọc
Lao động