Mất tiền, mang bệnh vì... ăn

Lười ăn uống do trời nắng nóng, nhiều người chọn đồ ăn sẵn, ăn cho qua bữa như: ăn cơm nắm muối vừng, bánh ngọt, chè… Với cách ăn uống này, không ít người đã phải chịu hậu quả xấu.

Dân văn phòng thường ăn trưa tạm bợ thiếu rau xanh.
Dân văn phòng thường ăn trưa tạm bợ thiếu rau xanh.

Ăn cho qua bữa trưa

Nắng nóng kéo dài khiến đa phần cán bộ công nhân viên chức các công sở tại Hà Nội coi việc đi ăn bữa trưa như một cực hình. Chị Trần Mỹ Lệ, cán bộ Công ty Điện tử, công nghệ thông tin HT (phố Ngụy Như Kon Tum, Hà Nội) chia sẻ: “Trời nắng chang chang, buổi trưa tôi rất lười vận động, nhất là đội nắng đi ăn. Vì vậy, tôi thường nhân tiện trên đường đi làm thì mua luôn món gì đó để ăn trưa, lúc thì cơm nắm muối vừng, chiếc bánh giò, khi thì mấy củ khoai, cốc chè, nhiều khi chỉ vài cái bánh mì không… Nói chung là bữa trưa thường không có rau”.

“Nhiều hôm người nóng ran rất khó chịu, thèm ăn rau và cũng muốn mang cơm đến cơ quan ăn nhưng cơ quan tôi không có phong trào mang cơm hộp, mang một mình thấy lẻ loi, không hứng thú. Tôi sợ mùa hè là vì ăn uống kham khổ, thiếu chất buổi trưa khiến người sẩn ngứa, mặt mũi mụn nhọt “biểu tình”, chị Lệ thổ lộ.

Bữa trưa trong mùa hè của chị Lê Như Quỳnh, nhân viên thu ngân của một ngân hàng trên đường Hồ Tùng Mậu (Hà Nội) cũng gần như không có rau. Chị Quỳnh chia sẻ: “Muốn có rau thì thường phải đi ăn cơm, nhưng vào buổi trưa nắng nóng tôi rất lười ăn cơm và cũng không muốn ra đường. Tôi thường ăn cho qua bữa, tiện gì ăn mấy, nhiều khi chỉ hộp sữa tươi với chiếc bánh mì. Hoặc tôi chỉ thích ăn những quả có vị ngọt đậm như nhãn, vải… Có hôm ăn quả trừ bữa luôn”.

“Cũng biết là ăn như thế phản khoa học nhưng cái lười cứ thắng thì đành vậy. Có hôm ăn cả cân vải thiều trừ bữa, người như phát nhiệt, mặt nóng bừng, ngứa ngáy nổi sẩn. Mấy ngày sau sẩn ngứa lặn, lại quên lại ăn vải trừ bữa vì tôi rất ghiền loại trái cây này”, chị Quỳnh cho biết.

Với nam giới, chuyện ăn uống vào mùa hè còn tuềnh toàng hơn nhiều. Anh Vũ Thế Khanh, chủ shop quần áo thời trang nam T.K (phố Chùa Bộc, Hà Nội) cho biết: “Trời nắng nóng nên nhiều khi tôi uống nước trừ bữa. Có buổi trưa uống đến 5 cốc nước mía, hôm thì ăn hai cốc chè, có hôm lại nhịn, tối mới về nhà ăn bù”.

Không ít nam giới được hỏi thường nói nhịn bữa trưa vì ngại nắng nóng, lười đi ăn, nhưng có hôm lại dung nạp rất nhiều đạm vì cao hứng đi nhậu với bạn. Những người được hỏi cũng thừa nhận rằng, việc nhịn bữa trưa, khoảng 3h chiều đã thấy đói cồn cào khiến hiệu suất công việc giảm. Hôm đi ăn nhậu thì ăn quá nhiều đạm, người như muốn bốc hoả vì thừa chất, bí bách, khó chịu.

Phải ăn đa dạng các loại thực phẩm

Các chuyên gia Đông y được hỏi cho rằng, cơ thể con người cần nhiều chất dinh dưỡng từ nhiều nguồn thức ăn khác nhau vì vậy, cần thiết phải ăn đa dạng các loại thực phẩm. Ăn uống đơn điệu dễ gây hại vì một số dinh dưỡng được đưa vào cơ thể quá nhiều, trong khi những chất quan trọng khác lại thiếu, sức khoẻ sẽ bị ảnh hưởng, gây cho cơ thể sự mất cân bằng trong hấp thụ dinh dưỡng.

Nên ăn rau và trái cây nhiều lần trong ngày bởi rau, trái cây có ít calo nhưng có nhiều vitamin, chất khoáng và chất xơ. Các nghiên cứu khoa học còn cho thấy, rau và trái cây giúp cơ thể thúc đẩy tuần hoàn máu, tránh được ung thư, bệnh tim...

Theo BS Phùng Đình Khánh, Chủ tịch Đông y tỉnh Ninh Bình: “Việc ăn uống phản khoa học sẽ khiến cơ thể mất cân đối, dễ sinh bệnh. Nhất là ăn ít rau quả trong mùa hè oi bức sẽ ảnh hưởng không tốt đến gan. Nên ăn nhiều trái cây tươi, thuộc tính mát và rau quả để tăng cường khả năng giải độc của gan”.

Với những người có thói quen thường xuyên ăn chè, uống nước mía, nước ngọt… các chuyên gia khuyến cáo rằng, việc dung nạp nhiều đồ ăn ngọt sẽ làm tăng đường huyết. Khi đường huyết quá cao, một mặt sẽ thúc đẩy vi khuẩn sinh trưởng trên da bị mồ hôi làm cho ô nhiễm, dễ gây ra các bệnh về da như sưng phù, mụn nhọt; Cơ thể mất dần sức đề kháng, khả năng miễn dịch giảm thấp.

Việc lạm dụng thực phẩm hàn lạnh, tạm thời có thể hòa giải được nóng nực nhưng loại thực phẩm này sẽ làm cho vòm họng bị kích thích, gây ra các phản ứng không tốt như đau răng hoặc viêm lợi, đồng thời còn kích thích tỳ vị, dạ dày, ảnh hưởng dịch dạ dày bài tiết và làm giảm cảm giác thèm ăn, gây ra tiêu hóa không tốt, chán ăn, đau bụng, tiêu chảy…

"Với những trường hợp hay đi ăn uống nhiều chất kích thích như bia, rượu, cà phê, trà đặc sẽ khiến huyết dịch trong cơ thể tăng, khi nhiệt độ vượt quá 35 độ C. Huyết dịch sẽ trở nên kết dính, nếu lúc này còn dung nạp nhiều chất, ăn nhiều thịt sẽ làm cho tinh thần càng thêm tồi tệ, thần kinh bị tổn thương. Bên cạnh đó, việc ăn quá nhiều thịt sẽ làm cho nồng độ can-xi trong cơ thể giảm thấp, gây tăng thêm khuynh hướng bộc phát tức giận và phẫn nộ. Đồng thời, ăn quá nhiều thịt còn gây ra xơ cứng huyết quản, tăng huyết áp…".

BS Phùng Đình Khánh - Chủ tịch Hội Đông y Ninh Bình

Theo Mai Hạnh

Báo Gia đình & Xã hội

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm