Mắt mờ vì tia laser từ đồ chơi

(Dân trí) - Trong một vụ việc được mô tả là khá hi hữu, một tài xế xe buýt ở Đức đã bị tổn thương mắt vĩnh viễn sau khi bị tia laser từ đồ chơi của trẻ em rọi vào gương chiếu hậu và từ đó bắn thẳng vào mắt.

Mặc dù đây là lần đầu tiên laser từ đồ chơi được báo cáo là gây tổn thương thực thể, song các bác sĩ cho rằng đã đến lúc không để trẻ chơi thứ đồ chơi này.

Các bác sĩ kêu gọi không cho trẻ chơi đồ chơi chiếu tia laser.
Các bác sĩ kêu gọi không cho trẻ chơi đồ chơi chiếu tia laser.

Nhiều người đã từng nghe chuyện kể rằng có giáo viên đã bị mù sau khi bị học sinh chiếu tia laser đồ chơi vào mắt. Tuy nhiên, mới đây, theo nghiên cứu ca bệnh được đăng trên tờ British Medical Journal, một lái xe buýt 44 tuổi với thị lực 20/20 đã bị nhìn kém vĩnh viễn do tổn thương võng mạc bởi đồ chơi của một hành khách “nhí”. Theo báo cáo, tia laser đã đi khoảng 15m từ nguồn phát đến mắt tài xế khi ông nhìn nó nhiều lần qua gương chiếu hậu trong xe.

Ngay sau tai nạn, tài xế khai bị nhìn mờ ở mắt phải dai dẳng suốt 6 tháng. Sau khi bác sĩ mắt khám, ông được chẩn đoán bị tổn thương hoàng điểm, vùng mắt gần trung tâm võng mạc chịu trách nhiệm về thị lực trung tâm. Không may là các bác sĩ không làm được gì nhiều để khắc phục hậu quả.

Thuật ngữ "laser" là viết tắt của cụm từ light amplification by stimulated emission of radiation trong tiếng Anh, có nghĩa là “khuyếch đại ánh sáng bằng phát xạ kích thích”. Từ nguồn phát rất nhỏ, laser là chùm ánh sáng mạnh có thể đi qua hàng ngàn dặm và thậm chí cắt xuyên qua các vật liệu rắn. Không giống như ánh sáng thông thường, toàn bộ chùm tia laser có cùng bước sóng, khiến ánh sáng laser có sự tập trung năng lượng mạnh.

Khi đèn laser chiếu vào mắt, ánh sáng có thể gây ra những vết bỏng nhỏ ở võng mạc. Con người thường có phản xạ chớp mắt, cắt đứt sự tiếp xúc với laser trước khi tổn thương đáng kể có thể xảy ra. Các bác sĩ tin rằng do tài xế đã nhìn qua gương chiếu hậu nhiều lần để xem ánh sáng phát ra từ đâu nên cơ chế bảo vệ tự nhiên này bị “kiệt sức”, đó là lý do tại sao bệnh nhân bị tổn thương như vậy.

Các bác sĩ tham gia trong nghiên cứu không xem vụ việc là nhẹ, và cho rằng “không nên để trẻ em chơi đèn chiếu laser bất kể loại nào, vì trẻ chưa thể hiểu nguy cơ của tổn thương võng mạc vĩnh viễn”.

Hiện nay, chỉ có laser năng lượng thấp là được bán làm đồ chơi cho trẻ em, nhưng nghiên cứu này cho thấy ngay cả laser đồ chơi cũng có thể gây tổn thương đáng kể nếu tiếp xúc nhiều lần.

Cẩm Tú

Theo Medical Daily