Mất cân bằng giới tính khi sinh có xu hướng không ổn định

(Dân trí) - Trong 4 tháng đầu năm 2015 tỷ số giới tính khi sinh cả nước là 112,6. Theo đánh giá của giới chuyên môn, tỷ số này thấp hơn so với cùng kỳ năm 2014 nhưng xu hướng về mất cân bằng giới tính khi sinh không ổn định.

Mất cân bằng giới tính khi sinh có xu hướng không ổn định
Một trong những khó khăn hiện nay của ngành DS-KHHGĐ là phương tiện tránh thai không đáp ứng nhu cầu...

Sáng ngày 7/7, tại Tp Vinh (Nghệ An), Bộ Y tế tổ chức Hội thảo chuyên đề về dân số, kế hoạch hóa gia đình năm 2015. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã đến dự và chỉ đạo hội thảo. Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe báo cáo kết quả thực hiện công tác DS-KHHGĐ 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2015; báo cáo kết quả tình hình đảm bảo hậu cần phương tiện tránh thai (PTTT) và cung cấp dịch vụ KHHGĐ/SKSS giai đoạn 2011-2015; phương án, giải pháp đảm bảo PTTT và cung cấp dịch vụ KHHGĐ/SKSS giai đoạn 2016-2020; báo cáo kết quả tình hình thực hiện các mô hình đề án nâng cao chất lượng dân số giai đoạn 2011-2015, định hướng cho giai đoạn 2016-2020…

Theo báo cáo của Tổng cục DS - KHHGĐ, 4 tháng đầu năm 2015 tỷ số giới tính khi sinh cả nước là 112,6, tỷ số này thấp hơn so với cùng kỳ năm 2014 nhưng xu hướng về mất cân bằng giới tính khi sinh không ổn định. Theo kết quả điều tra, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam trong 12 tháng trước thời điểm ngày 1/4/2014 là 112,2 trẻ trai/100 trẻ gái.

Năm 2009, kết quả Tổng điều tra cho biết tỷ số giới tính khi sinh của cả nước là 110,5 và không có sự chênh lệch đáng kể giữa khu vực thành thị và nông thôn, tương ứng 110,5 và 110,6. Tại thời điểm 1/4/2014, tỷ số giới tính khi sinh ở nông thôn (113,1 trẻ trai/100 trẻ gái) cao hơn đáng kể so với ở thành thị (110,1 trẻ trai/100 trẻ gái). Báo cáo nhận định “Nếu loại trừ khoảng sai số của số liệu thì có thể khẳng định, mong muốn cũng như áp lực buộc phải sinh con trai cùng với khả năng tiếp cận các dịch vụ chọn lọc giới tính hiện đại của phụ nữ nông thôn trong những năm gần đây tăng lên là lý do chính dẫn đến sự chênh lệch này”.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến phát biểu tại hội thảo.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến phát biểu tại hội thảo.

Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trong 4 tháng đầu năm 2015 cả nước có 309.436 trẻ được sinh ra, so với cùng kỳ năm 2014 tăng 4.397 trẻ (1,4%). Trong đó, có 163.882 trẻ nam (tăng 654 trẻ), 145.554 là trẻ em gái (tăng 3.752 trẻ). Có 35.083 trẻ (chiếm 11,3% tổng số sinh) là con thứ 3 trở lên, tăng 135 trẻ so với cùng kỳ năm 2014 (tăng 0,39%). Có 34/63 tỉnh, thành phố có số trẻ sinh ra là con thứ 3 giảm so với cùng kỳ năm 2014 như Đăk Lăk (332 trẻ), Vĩnh Phúc (141 trẻ), Hà Nội (104 trẻ), Bình Định (84 trẻ), Kon Tum (79 trẻ)…

4 tháng đầu năm 2015, có 50.632 bà mẹ mang thai thực hiện sàng lọc trước khi sinh lần 1, tăng so với cùng kỳ năm 2014 là 16.098 người; 28.258 bà mẹ mang thai thực hiện sàng lọc lần 2, tăng so với cùng kỳ năm 2014 là 9.249 người. Số trẻ sinh ra được sàng lọc sơ sinh 4 tháng đầu năm 2015 là 48.164 trẻ, tăng so với cùng kỳ năm 2014 là 513 trẻ. Có 36.072 người được tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân…

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến phát biểu tại hội thảo.
Bà Đinh Thị Lệ Thanh, Phó CT UBND tỉnh Nghệ An tặng hoa chúc mừng đại diện lãnh đạo Bộ Y tế nhân ngày Dân số thế giới 11/7/2015.

Mặc dù vậy, công tác DS-KHHGĐ cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. Năm 2015 là năm cuối thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ giai đoạn 2012-2015 nhưng mức đầu tư chỉ tương đương năm 2014 và không có vốn đầu tư nước ngoài; Nhiều tỉnh, thành phố chưa chủ động bố trí kinh phí địa phương cho triển khai hoạt động của chương trình vì vậy việc tổ chức triển khai các hoạt động, đặc biệt là mô hình nâng cao chất lượng dân số bị ảnh hưởng, một số hoạt động không thể triển khai.

Việc giao chỉ tiêu kế hoạch, dự toán ngân sách không thống nhất giữa các tỉnh, thành phố và chậm so với quy định; dù là năm cuối triển khai chương trình nhưng một số địa phương vẫn còn lúng túng; Bộ máy tổ chức, cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ mặc dù đã được củng cố và hoàn thiện nhưng còn khó khăn, hạn chế…; Phương tiện tránh thai không đủ đáp ứng cho nhu cầu của nhóm đối tượng thuộc diện được cấp phương tiện tránh thai miễn phí, nhóm đối tượng được trợ giá và đã dừng triển khai chương trình tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai….

Hoàng Lam