1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Mặt biến dạng vì silicone

Khi đã biến chứng, mọi cuộc phẫu thuật đều chỉ mang tính “khắc phục hậu quả” chứ không thể lấy hết chất độc hại ra khỏi khuôn mặt bệnh nhân hay trả lại cho họ dung nhan như cũ.

Mới đây, Bệnh viện (BV) Cấp cứu Trưng Vương - TPHCM đã tiếp nhận bà V.T.H (53 tuổi) bị biến chứng vì tiêm “mỡ trừu” vào mặt để độn cằm. Mang khuôn mặt ưng ý được không bao lâu, bà H. phải khổ sở nhập viện vì chiếc cằm tự nhiên nổi u cứng. Kết quả chụp MRI cho thấy “mỡ trừu” mà một tay “bác sĩ” làm đẹp dạo ngon ngọt quảng cáo đã đông cứng thành khối, kéo trì khuôn mặt bà H. xuống, tạo ra một chiếc cằm dị dạng.

 

Chất lạ, bơm “mù”

 

“Tôi đã từng gặp khá nhiều trường hợp tương tự, bệnh nhân được tiêm hóa chất vào mũi, má, môi, cằm, bọng mắt… ngay tại các tiệm làm tóc, spa, “trung tâm thẩm mỹ” vốn chỉ được phép xăm môi, lông mày. Họ gọi hóa chất này là “mỡ nhân tạo”, “mỡ trừu”… nhưng thường đó chính là silicone lỏng, một chất đầy tác hại và đã bị cấm dùng trong phẫu thuật thẩm mỹ nhiều năm nay”, TS. BS (BS) Phạm Trịnh Quốc Khanh, Trưởng Khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ BV Cấp cứu Trưng Vương, cho biết.

 

Tin tưởng vào quảng cáo “đẹp ngay tức thì”, nhiều phụ nữ đã phải mang khuôn mặt lợn cợn những khối silicone đông cứng đến BV cầu cứu BS hoặc phải nhập viện cấp cứu vì silicone tạo phản ứng viêm, sưng tấy. Theo BS Võ Văn Kế, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật - Tạo hình - Thẩm mỹ BV Đa khoa Vạn Hạnh - TPHCM, ngay cả thao tác tiêm silicone cũng có thể gây ra vấn đề.

 

Khuôn mặt chảy xệ do tiêm silicone lỏng của một phụ nữ

Khuôn mặt chảy xệ do tiêm silicone lỏng của một phụ nữ

 

“Không có BS nào lại đi làm cái việc “tiêm dạo” tại các tiệm làm tóc, làm móng. Những người này đa phần thiếu chuyên môn nên gây ra nhiều tình huống dở khóc dở cười cho nạn nhân. Tôi từng gặp vài phụ nữ vào BV với đôi môi nổi một cục to, cứng. Trong phẫu thuật bơm môi, người ta phải bơm vào nhiều điểm thì đôi môi mới căng mọng tự nhiên được, đằng này người ta chỉ tiêm 1, 2 điểm rồi day nắn cho silicone lan đều ra. Chất này không thể tự lan ra nên đôi môi người được chích sưng vù với 1, 2 điểm do silicone vón cục. Nguy hiểm hơn, có trường hợp silicone bị tiêm nhầm vào mạch máu”, BS Kế cảnh báo.

 

BS Khanh cho biết tiêm silicone vào mặt có thể dẫn đến nhiều dạng biến chứng như nhiễm trùng, viêm tại chỗ, mặt biến dạng… Nếu chất này bị bơm nhầm vào động mạch sẽ gây thuyên tắc mạch, hoại tử vùng; bơm nhầm vào tĩnh mạch sẽ gây tắc mạch phổi, dẫn đến tử vong.

 

Các BS nhấn mạnh khi đã lỡ tiêm và biến chứng, việc phẫu thuật chỉ mang tính “khắc phục hậu quả” chứ không thể nào lấy hết silicone ra bởi nhiều phần của chất này đã len lỏi, ăn sâu vào mô. Thông thường, chỉ có thể lấy những phần silicone đã vón cục và nằm gần dưới da. BS cũng khó lòng trả cho bệnh nhân dung nhan như cũ bởi nhiều trường hợp phải cắt lọc bớt mô để khắc phục biến chứng và đã mổ thì sẽ có sẹo. Phẫu thuật lấy silicone trên mặt cũng phức tạp hơn các vị trí khác do khuôn mặt có rất nhiều dây thần kinh, mọi sai lầm trong can thiệp dao kéo đều có thể ảnh hưởng đến chức năng vận động của các bộ phận nằm tại vùng này.

 

Chỉ vì ham rẻ

 

Silicone lỏng hiện nay chỉ còn dùng trong công nghiệp do giá  rẻ. Một trong những lý do khiến nhiều phụ nữ chấp nhận tiêm “mỡ nhân tạo”, “mỡ trừu” là chi phí chỉ vài trăm ngàn đồng. Trong khi đó, phương pháp làm đẹp khuôn mặt bằng cách tiêm chất làm đầy có giá đến hàng triệu đồng.

 

“Các chất làm đầy trong phẫu thuật thẩm mỹ mà các BV sử dụng hiện nay có giá khá cao và phải thực hiện bởi BS chuyên khoa. Chất làm đầy thường chỉ có tác dụng trong một vài năm. Nếu muốn giá rẻ hơn, thời gian lâu hơn, chị em có thể chọn phẫu thuật căng da mặt, phẫu thuật nâng mũi bằng sụn tự thân hay nhân tạo…”, BS Kế khuyên.

 

Trong khi đó, BS Khanh nhấn mạnh: “Không bao giờ có cái giá vài trăm ngàn đồng cho một ca phẫu thuật tiêm chất làm đầy. Những tên gọi “mỡ nhân tạo”, “mỡ trừu”… hoàn toàn do người bán “sáng tác”, không hề tồn tại trong y văn”. Theo BS Khanh, ông từng gặp nhiều trường hợp tiêm silicone nâng mũi bị biến chứng. Sau khi “khắc phục hậu quả”, cắt lọc bớt mô, mũi không còn như xưa nên bệnh nhân lại phải tiến hành phẫu thuật nâng mũi một lần nữa.

 

Theo Anh Thư

Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm