1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Mạo hiểm rửa mũi bằng xi lanh dễ gây viêm tai giữa

(Dân trí) - Trước câu hỏi "Có nên xịt rửa mũi bằng xi lanh", nhiều bạn đọc Dân trí đã bình luận, bày tỏ quan điểm đúng - sai về phương pháp này. Hai bác sĩ chuyên ngành tai mũi họng cũng đã đưa ra quan điểm, hướng dẫn các bà mẹ lựa chọn hình thức vệ sinh mũi cho trẻ tốt nhất, tránh gây hại.

Chưa kịp vui vì đẩy được mũi xanh ra ngoài con đã bị viêm tai

Vừa gọi điện hỏi bác sĩ quen vì con bị sốt đêm, kêu đau tai, chị Hương nhận ngay được câu hỏi của bác sĩ “lại rửa mũi cho con đúng không?”. Các bác sĩ cho biết, thời gian gần đây tiếp nhận nhiều bệnh nhân viêm tai có căn nguyên từ việc rửa mũi bằng xi lanh, bằng dụng cụ bơm rửa mũi.

Chia sẻ với Dân trí, nhiều bạn đọc không đồng tình với việc rửa mũi bằng xi lanh, một số thì cho rằng có thể dùng khi trẻ thích nghi, hoặc tuỳ từng trẻ vì có những trẻ rửa mũi trường kỳ mà không bị viêm tai.

Bạn đọc NhatLong cho rằng không nên rửa mũi bằng xi lanh bởi áp lực nước từ xi lanh mạnh có thể đẩy mũi mủ lên tai gây viêm tai giữa. Tương tự, bạn đọc Sharplet Pentel, bạn D.N.Thuy, Sóc Nhỏ, Nguyen Cương... đều không đồng tình với cách làm này bởi không chỉ có nguy cơ gây viêm tai giữa, cách rửa mũi có phần "bạo lực" này còn gây ám ảnh cho trẻ khiến trẻ sợ xi lanh, sợ chai nước muối...

Các cha mẹ cũng chia sẻ kinh nghiệm xử lý khi bé bị sổ mũi, cơ bản đều phải làm sạch mũi đặc bằng muối sinh lý, muối biển phun sương trước khi nhỏ thuốc cho trẻ.

Về việc có nên xịt rửa mũi bằng xi lanh, một bác sĩ tại bệnh viện Bạch Mai cho rằng, thực tế, phương pháp rửa mũi bằng xi lanh được nhiều mẹ tín nhiệm vì đẩy được mũi đặc ra ngoài nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ viêm tai giữa.

Đây là một thói quen, một phương pháp các mẹ truyền tai nhau rất nguy hiểm. Từ chỉ dẫn của bác sĩ cho một số trường hợp đặc biệt phải dùng phương pháp bơm rửa mũi bằng xi lanh (như với bệnh nhân viêm xoang), nhiều mẹ làm theo và thấy hiệu quả vì mũi xanh, mũi đặc được đẩy ra rất nhiều, thậm chí cả dòng mũi đặc sệt được đẩy ra sau cú bơm xịt mạnh cả 10ml - 20ml nước muối sinh lý vào thẳng mũi.

Trong khi đó, với rửa mũi bằng bình xịt sương cảm giác mũi không ra, nên nhiều người đã sử dụng và nhiều trẻ rơi vào tình trạng bị thêm viêm tai từ việc rửa mũi.

Theo bác sĩ này, mũi hàng ngày phải hít nhiều không khí bụi bẩn, hay khi bị sổ mũi, mũi đặc khó thở, việc rửa mũi hàng bằng dung dịch rửa mũi là nước muối sinh lý, nước biển, rửa một chút sạch sẽ rất tốt. Nhưng cách rửa mũi lại là câu chuyện khác.

Dùng xi lanh bơm vào mũi là giải pháp không có đành phải làm vậy. Chứ bình thường không ai dùng thiết bị tiêm để bơm vào mũi. Nó chỉ là giải pháp tạm thời. Thay vào đó, ở các hiệu thuốc bán nhiều dung dịch muối biển ở dạng bình xịt, bóp ra, muối biển phun vào mũi dạng sương mù, đi vào từng ngóc ngách mũi bệnh nhân sạch, an toàn. Trừ một số bệnh nhân viêm xoang nặng, viêm mũi nặng, bác sĩ mới hướng dẫn thiết dùng thiết bị bình rửa mũi. Trừ một vài trường hợp bệnh nhân không có điều kiện mua bình đó, giải pháp con nhà nghèo thì phải xịt xi lanh còn bác sĩ không khuyến khích.

Không khuyến khích ở trẻ em

Còn ở trẻ em, bác sĩ không khuyến khích phương pháp này, tuyệt đối không được lạm dụng. Vì ở trẻ em vòi nhĩ có đặc điểm ngắn, nằm ngang và luôn mở. Đây là lý do khi xịt rửa bằng xi lanh, dịch mũi họng dễ dàng bị đẩy lên vòi nhĩ khiến ban đầu chỉ là viêm mũi dẫn đến viêm tai.

Ở trẻ em chỉ sử dụng muối sinh lý thông thường để nhỏ mũi, hoặc dung dịch muối, muối biển ở dạng bình xịt, nước muối biển phun vào mũi ở dạng sương mù, đi vào ngách mũi làm mũi trẻ sạch, an toàn.

Cùng quan điểm này, Ths.BS Nguyễn Tiến Hùng, Bộ môn Tai Mũi Họng (ĐH Y Hà Nội) cho biết, ông nhiều trường hợp trẻ em đến khám viêm tai thì do được bố mẹ sử dụng phương pháp xịt rửa bằng xi lanh.

Trong khi đó, viêm tai điều trị phức tạp hơn nhiều so với viêm mũi thông thường. Viêm tai giữa là có mủ trong tai giữa, biến chứng nặng nhất từ viêm tai, vi khuẩn có thể ngược dòng lên não gây viêm màng não. Viêm tai giữa cũng có thể gây biến chứng làm cho trẻ bị méo mặt, tổn thương dây thần kinh 7. Từ viêm tai giữa cũng có thể gây viêm toàn bộ xương thái dương, làm em bé viêm xương chũm, thậm chí đe dọa tính mạng vì tình trạng nhiễm trùng nặng. Về lâu dài, tình trạng viêm tai giữa có thể làm giảm sức nghe hoặc điếc.

“Trẻ em, trừ một số trường hợp đặc biệt có chỉ định, còn lại nên dùng muối biển sương mù, muối sinh lý thông thường chứ tuyệt đối không bơm rữa bằng xi lanh, dụng cụ xịt rửa để tránh nguy cơ trên”, BS Hùng khuyến cáo.

Hồng Hải