(Dân trí) - Vì bát tiết canh mát, bổ lấy "vận đỏ" đầu năm, đầu tháng không ít người đã phải mang theo di chứng suốt đời, khiến kinh tế gia đình suy kiệt, thậm chí trả giá bằng chính mạng sống của mình.
Sau bữa tiết canh lòng lợn, người đàn ông 48 tuổi có địa chỉ tại thôn Bãi, Cao Viên, Thanh Oai (Hà Nội) bất ngờ xuất hiện tình trạng sốt cao.
Bệnh nhân đã vào khám và điều trị tại trạm y tế trên địa bàn nhưng không đỡ. Sau đó, người đàn ông này tiếp tục xuất hiện tình trạng đau đầu nhiều, giảm nhận thức nên được chuyển đến Bệnh viện 103 điều trị.
Tại đây, bệnh nhân này được xét nghiệm dịch não tủy, nuôi cấy Streptococcus suis dương tính. Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm khuẩn liên cầu lợn.
Ngày 2/9/2022, một người đàn ông 30 tuổi sống tại Lào Cai tổ chức mổ lợn đánh tiết canh, có rủ thêm khoảng 20 người khác cùng tham gia.
Tuy nhiên, sau 3 ngày, anh bắt đầu sốt cao, rét run, đau mỏi người, xuất huyết dưới da toàn thân nên đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai khám, sau đó được chuyển lên tuyến trên.
Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cấp cứu trong tình trạng suy gan, suy thận, có rối loạn đông máu.
Theo BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, kết quả xét nghiệm phát hiện người này còn bị nhiễm trùng máu, tình trạng rất nặng.
"Chúng tôi chẩn đoán bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn do ăn tiết canh là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. May mắn là bệnh nhân được đưa đi điều trị kịp thời, bệnh chưa biến chứng tới não và gây hoại tử", BS Phúc cho hay.
Trước đó, Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) có tiếp nhận trường hợp người bệnh T.V.Q. vào khoa trong tình trạng lơ mơ, kích thích, không tiếp xúc được. Người bệnh có tiền sử nghiện rượu, ăn tiết canh dê một tuần trước ngày vào viện. Bác sĩ đã tiến hành chọc dịch não tủy, cấy máu làm chẩn đoán và xác định người bệnh bị nhiễm vi khuẩn Streptococcus suis.
Cơ thể hôn mê nằm bất động với hàng loạt những mảng da thâm đen do xuất huyết: Hình ảnh điển hình của bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn khiến cả những bác sĩ dày dặn kinh nghiệm cũng phải ám ảnh.
Nhiều năm công tác tại khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện tuyến cuối về truyền nhiễm, bác sĩ Phạm Văn Phúc dùng từ "đáng tiếc" để kể về các bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn, khi chỉ vì một miếng ngon mà phải gánh họa cả đời.
Theo chuyên gia này, bệnh liên cầu lợn lây truyền qua các tổn thương, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn bệnh chưa nấu chín. Do đó, không chỉ ăn tiết canh mà ngay cả khi giết mổ, chế biến lợn không tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo an toàn, cũng có thể bị nhiễm liên cầu khuẩn.
Điển hình như trường hợp nhiễm liên cầu khuẩn do mổ lợn mà Khoa Hồi sức tích cực tiếp nhận vừa qua. Cụ thể, sau khi lợn bị ốm chết, người đàn ông trung niên sống tại Hà Nội đã xẻ thịt để làm thức ăn cho cá.
Tuy nhiên, chỉ 2 ngày sau, người này bất ngờ xuất hiện triệu chứng sốt cao, rối loạn ý thức. Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sau đó chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
"Bệnh nhân được xác định nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn. Thời điểm nhập viện bệnh nhân đã ở trong tình trạng rất nặng, với các triệu chứng như: sốt cao, rối loạn ý thức gần đi vào hôn mê, xuất huyết ở tay và chân. Đây là những triệu chứng đặc trưng của việc nhiễm liên cầu khuẩn lợn", BS Phúc cho hay.
Mặc dù đã được cứu sống sau thời gian điều trị tích cực, nhưng việc nhiễm liên cầu khuẩn diễn biến nặng sẽ khiến bệnh nhân phải gánh chịu những di chứng lâu dài như mất thính giác.
Theo chuyên gia này, nhiễm liên cầu lợn có nhiều thể bệnh nhưng có 2 thể chính là: thể nhiễm trùng huyết và viêm màng não.
Với thể nhiễm trùng huyết, bệnh sẽ diễn biến rất nhanh và nặng. Bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng rối loạn đa cơ quan. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có nguy cơ tử vong rất cao.
Thể thứ hai là viêm màng não, thường tiên lượng điều trị sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, bệnh nhân sẽ có những biến chứng về lâu dài như liệt, các di chứng về mặt thần kinh.
"Bệnh trở nặng rất nhanh, chỉ vài giờ sau khi có triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn hoặc nổi các ban trên người. Điều trị bệnh liên cầu lợn cũng rất khó khăn, người bệnh thường phải nằm ở khoa hồi sức tích cực trong vài tuần. Thậm chí, nếu nhập viện khi đã nặng, bệnh nhân có nguy cơ bị hoại tử da, đầu tay, mặt và di chứng nặng trên cơ thể như điếc tai, ngón tay phải cắt cụt", BS Phúc nhấn mạnh.
BS Phúc cũng thông tin thêm, chi phí điều trị với những ca liên cầu khuẩn diễn biến nặng là rất lớn. Với các bệnh nhân, phải lọc máu, thở máy, điều trị kháng sinh mạnh có thể tốn nhiều triệu đồng mỗi ngày. Không ít gia đình có hoàn cảnh khó khăn trở nên khánh kiệt chỉ vì hậu quả từ một bữa tiết canh.
Chưa dừng lại ở đó, bệnh nhân sau khi ra viện có nguy cơ cao phải sống với các di chứng suốt đời, tạo gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội.
Theo Cục Y tế Dự phòng, bệnh liên cầu lợn thuộc nhóm B trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Bệnh xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới và gây tổn thất lớn về kinh tế. Những người bị bệnh nặng có thể tử vong do độc tố vi khuẩn gây sốc nhiễm khuẩn, viêm nội tâm mạc, suy đa phủ tạng, nhiễm khuẩn huyết... Tỷ lệ tử vong của bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn có thể tới 7%.
Đáng chú ý, nhiều người dù ý thức được nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn khi ăn tiết canh, nhưng cho rằng lợn rừng, "lợn sạch" ở quê hay tiết canh nhà làm sẽ không còn đáng ngại, nên vẫn vô tư thưởng thức món khoái khẩu.
Tuy nhiên, theo BS Phúc, đây là một quan niệm hết sức nguy hiểm.
"Lợn nuôi sạch không đồng nghĩa với vi khuẩn gây bệnh không tồn tại trong lợn. Liên cầu khuẩn lợn đôi khi không gây bệnh trên con vật, nhưng có thể gây bệnh với người có sức đề kháng kém", BS Phúc cho hay.
Bên cạnh đó, cũng có không ít người lựa chọn tiết canh gia cầm (tiết canh vịt, tiết canh ngan…) cho "an toàn" vì nghĩ rằng không có nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn.
Theo BS Phúc, cách làm này khiến người dân "tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa".
"Trong tiết canh gia cầm dù không có liên cầu khuẩn nhưng lại tồn tại nhiều mầm bệnh nguy hiểm không kém như: tiêu chảy, tả, lỵ, giun sán… Đặc biệt là quá trình cắt tiết, chế biến thức ăn không đảm bảo vệ sinh dễ dẫn đến vi khuẩn trên da, lông động vật dễ dàng xâm nhập vào máu.
Đáng lưu tâm là nguy cơ mắc cúm gia cầm có thể đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe thậm chí là tính mạng của bệnh nhân. Chúng tôi cũng đã từng tiếp nhận không ít bệnh nhân mắc cúm gia cầm diễn biến nặng, nguy kịch vì ăn tiết canh", BS Phúc nhấn mạnh.
Một mầm bệnh nguy hiểm khác là vi khuẩn tụ cầu. Trong quá trình giết mổ, máu của động vật rất dễ bị nhiễm tụ cầu. Trong 4 đến 5 giờ sau khi nhiễm, loại tụ cầu này sinh ra độc tố cho đường ruột.
Khi xâm nhập vào niêm mạc dạ dày đặc biệt là vào ruột và máu sẽ ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh tự chủ, tăng co bóp dạ dày và ruột gây ra các triệu chứng ngộ độc, nôn mửa, tiêu chảy,... Nếu nặng bệnh nhân sẽ bị tiêu chảy dẫn đến mất nước, trụy tim mạch.
Tiết canh được nhiều người Việt xem là món ăn mang lại may mắn. Ngày mùng một đầu tháng, đặc biệt là đầu năm mới, nhiều người lựa chọn món tiết canh để lấy "vận đỏ". Đây cũng là nguyên nhân bệnh liên cầu lợn rải rác quanh năm nhưng tăng mạnh vào những tháng cuối năm và đầu năm Tết Nguyên đán.
Từ thực trạng này, BS Phúc khuyến cáo người dân cần tuyệt đối đảm bảo nguyên tắc ăn chín, uống sôi để đến đón Tết vui khỏe.
"Người dân không nên giết mổ lợn trong điều kiện chưa đảm bảo vệ sinh, không ăn thịt lợn sống, chưa chín kĩ hoặc các món tái, tiết canh. Người dân cũng không nên mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề", BS Phúc phân tích.
Cục Y tế dự phòng cũng cảnh báo, người dân không được mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn chết; phải tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định. Khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc ăn sản phẩm từ lợn không bảo đảm vệ sinh, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Nội dung: Minh Nhật
Thiết kế: Thủy Tiên