Ăn tiết canh lễ 2/9, người đàn ông suy gan phải nhập viện cấp cứu
(Dân trí) - Ngày 2/9, bệnh nhân tổ chức mổ lợn đánh tiết canh, có rủ thêm khoảng 20 người khác cùng tham gia.
Người đàn ông 30 tuổi, địa chỉ tại Lào Cai được đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cấp cứu trong tình trạng suy gan, suy thận, có rối loạn đông máu.
Qua khai thác bệnh sử, ngày 2/9, bệnh nhân này tổ chức mổ lợn đánh tiết canh, có rủ thêm khoảng 20 người khác cùng tham gia.
Tuy nhiên, sau 3 ngày, anh bắt đầu sốt cao, rét run, đau mỏi người, xuất huyết dưới da toàn thân nên đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai khám, sau đó được chuyển lên tuyến trên.
Theo BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, kết quả xét nghiệm phát hiện người này còn bị nhiễm trùng máu, tình trạng rất nặng.
"Chúng tôi chẩn đoán bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn do ăn tiết canh là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. May mắn là bệnh nhân được đưa đi điều trị kịp thời, bệnh chưa biến chứng tới não và gây hoại tử", BS Phúc cho hay.
Sau một ngày điều trị, hiện tình trạng người bệnh ổn định. Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi sát tại Khoa Hồi sức tích cực bởi vẫn có nguy cơ trở nặng trong thời gian tới.
Từ trường hợp này, BS Phúc lưu ý, bệnh liên cầu lợn lây truyền qua các tổn thương, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn bệnh chưa nấu chín. Người nhiễm liên cầu lợn có thể bị nhiễm trùng, nhiễm độc tiêu hóa, sốt, xuất huyết, viêm màng não. Khi trở nặng, bệnh gây sốc nhiễm khuẩn, rối loạn đông máu, suy hô hấp, suy đa tạng dẫn tới tử vong.
"Bệnh trở nặng rất nhanh, chỉ vài giờ sau khi có triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn hoặc nổi các ban trên người. Điều trị bệnh liên cầu lợn cũng rất khó khăn, người bệnh thường phải nằm ở khoa hồi sức tích cực trong vài tuần. Thậm chí, nếu nhập viện khi đã nặng, bệnh nhân có nguy cơ bị hoại tử da, đầu tay, mặt và di chứng nặng trên cơ thể như điếc tai, ngón tay phải cắt cụt", BS Phúc nhấn mạnh.
Cũng theo chuyên gia này, nhiều người dân có quan niệm lợn của nhà nuôi rất sạch, không bị nhiễm bệnh nên có thể đánh tiết canh để ăn. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm.
Chuyên gia này phân tích: "Lợn nuôi sạch không đồng nghĩa với vi khuẩn gây bệnh không tồn tại trong lợn. Liên cầu khuẩn lợn đôi khi không gây bệnh trên con vật, nhưng có thể gây bệnh với người có sức đề kháng kém".
Để phòng bệnh, theo BS Phúc, người dân không nên giết mổ lợn trong điều kiện chưa đảm bảo vệ sinh, không ăn thịt lợn sống, chưa chín kĩ hoặc các món tái, tiết canh. Người dân cũng không nên mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.