1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Mâm ngũ quả truyền thuyết và vị thuốc

Mâm ngũ quả không chỉ là nét cổ truyền dân tộc mà còn có dược tính cao, nên trong y học cổ truyền còn coi đó là những vị thuốc có công hiệu trị liệu được nhiều bệnh cũng như được coi là món ăn bổ sung cho cơ thể nhiều dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất.

Sau đây xin điểm qua tác dụng về dược lý và trị liệu của các quả chính có trong mâm ngũ quả thường hay được bày biện như sau:

 

Chuối tiêu

 

Chuối tiêu có màu xanh thuộc mộc. Theo Đông y có vị ngọt, tính lạnh, không độc, chứa nhiều protein, acid béo, tinh bột, phospho, sắt, vitamin A, B, C, E... có tác dụng thanh vị hỏa, giải nhiệt độc... chủ trị nhiều bệnh chứng như táo bón, trị phù thũng, ho, nhọt sưng đau, chữa trúng độc, chữa hắc lào mới phát, phụ nữ sau sinh ít sữa, chứng tăng huyết áp...

 

Chuối chín làm tăng hồng cầu, tăng huyết sắc tố, làm giảm nhiễm acid do ăn nhiều thịt, mỡ, hoặc quá nhiều ngũ cốc. Ngoài ra, chuối chín tươi còn coi là thuốc trị bệnh đường ruột, kể cả tiêu chảy, lị, hay lợi tiểu khi phù thũng, làm tăng khả năng hấp thu cho trẻ khi bị mắc chứng suy dinh dưỡng. Phương thuốc tiêu biểu trị liệu một số bệnh từ chuối tiêu:

 

- Trị trẻ suy dinh dưỡng: Chuối tiêu chín 1,2kg, thịt cóc sấy khô tán bột mịn 1kg, lòng đỏ trứng gà luộc chín 0,2kg. Tất cả ba thứ trộn đều, giã nhuyễn vo viên to 6g, sấy khô cất dùng dần. Mỗi ngày uống từ 6 - 12g.

 

- Trị táo bón, ruột khô: Chuối tiêu 1 - 2 quả, đường phèn vừa đủ. Bóc vỏ chuối tiêu cho cùng đường phèn hấp cách thủy. Ngày ăn 1 - 2 lần, cần ăn vài ngày liền.

 

Bưởi:

 

Có nơi gọi là quả bòng, người Thái gọi là cọ phúc, thuộc họ cam quýt (Rutaceae). Bưởi có màu vàng thuộc thổ. Theo Đông y có vị chua ngọt, tính hàn đi vào các kinh tỳ và can, có tác dụng tiêu cơm, giảm viêm, điều khí, tiêu đờm... chủ trị các bệnh về huyết quản, đặc biệt là bệnh về tim, động mạch vành, làm giảm độ cô đọng của tiểu cầu, tăng tính ổn định các chất trôi nổi trong máu.

 

Ngoài ra bưởi còn chứa hàm lượng vitamin C khá cao, đường, protein, lipid, phospho có tác dụng kháng viêm, chống co giật. Vỏ quả bưởi chữa đầy trướng bụng, bí tiểu tiện.

 

Vỏ hạt bưởi trong có chứa chất pectin có tác dụng cầm máu. Múi bưởi có tác dụng giải khát, là thức ăn tốt cho người tiểu đường. Trong tép bưởi chứa hàm lượng vitamin C khá cao nên cũng là một chất có tác dụng chống ôxy hóa mạnh (antioxidants) kìm hãm các phần tử tự do khiến chống lại quá trình lão hóa và phát triển ung thư từ tế bào. Hoa bưởi dùng ướp trà, chưng cất nước hoa làm trong các loại bánh. Phương thuốc tiêu biểu chữa bệnh từ bưởi:  

 

- Trị chứng ho, đờm khí: Bưởi 1 quả bổ thành miếng hấp với gà rồi ăn. Ngày 1 thang, cần ăn vài ngày liền.

 

- Trị ho ở người già: Cùi bưởi cùng phèn chua lượng thích hợp đun chín mỗi ngày uống từ 50 - 100g.

 

- Giải uất trong gan, hạ khí, tiêu đờm, rất thích hợp trị chứng tức ngực, đau sườn, khí thượng, hay chán ăn do giận dữ làm ảnh hưởng tới gan. Lấy vỏ quả bưởi tươi nướng cháy lớp vỏ ngoài rồi cạo sạch, cho vào trong nước ngâm 1 ngày để vị đắng có trong vỏ bưởi tan ra, sau cắt thành miếng cho vào đun với nước đến khi gần chín cắt nhỏ hai củ hành cho vào, nêm muối, dầu ăn để dùng kèm trong bữa cơm. Ngày ăn 1 thang, cần ăn vài ngày liền.

 

Quýt

 

Có màu vàng thuộc thổ. Đông y cũng cho rằng có vị chua, tính mát, tác dụng giải khát trừ đàm, kiện tỳ, hòa vị, ấm phổi trị ho, tẩm bổ cơ thể... Vỏ quýt và lá quýt chứa tinh dầu làm thuốc trị ho, trừ đờm, chậm tiêu hóa... còn vỏ quýt xanh (thanh bì) có vị đắng cay, tính ấm, đi vào can, đởm, tác dụng giảm đau, tăng tiêu hóa. Vỏ quýt chín (trần bì) vị cay đắng, tính ấm, đi vào tỳ và phế; tác dụng làm long đờm, chữa ho, ợ hơi, buồn nôn, nôn. Phương thuốc trị bệnh tiêu biểu từ quýt:

 

- Rượu thanh bì hồi hương: Công hiệu làm khí huyết lưu thông, thích hợp sử dụng cho người trầm uất. Các vị gồm: hồi hương nhỏ 15g, thanh bì 15g, rượu vừng 250g. Rửa sạch các vị thuốc trên, sau đổ rượu vào ngâm trong 3 ngày là dùng được. Mỗi lần uống từ 15 - 30g, ngày uống 2 lần.

 

Táo ta

 

Còn gọi là táo chua, tên khoa học Ziziphus mauritiana thuộc họ táo (Rhamnacaceae) có màu xanh thuộc Mộc. Theo đông y có vị chua ngọt, tính mát, ra mồ hôi, dừng khát, giải nóng, trừ phiền, hòa tỳ, ngưng tả. Trong quả táo chứa nhiều vitamin C, chất polychaccarit, các yếu tố vi lượng, vitamin... tác dụng làm hạ cholesterol song còn là thức ăn chống giảm phì. Hạt táo vị hơi ngọt đắng, thơm, tính bình, tác dụng an thần, tiêu viêm, chữa trị mất ngủ, giảm trí nhớ...

 

Như vậy, mâm ngũ quả ngày Tết đã đi vào tâm thức của dân tộc Việt, nó còn là những vị thuốc tuyệt vời vừa bổ dưỡng vừa trị liệu nhiều bệnh.

 

Theo BS. Hoàng Xuân Đại

Sức khoẻ & Đời sống