1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Mắc Covid-19 có nên "cấp tập" uống thuốc bổ?

Nam Phương

(Dân trí) - Bên cạnh nước muối, xịt họng, xịt mũi, giảm ho… "cháy hàng" thì các loại thuốc bổ như vitamin C, kẽm… cũng được nhiều gia đình tìm mua. Theo bác sĩ thuốc bổ không làm thay đổi lộ trình của bệnh.

BS Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, thành viên nhóm Bác sĩ quân y hỗ trợ chăm sóc F0 tại nhà cho biết thứ nhất dùng quá nhiều loại thuốc không tác dụng để phòng lây nhiễm. Khá nhiều người khi có nguy cơ lây nhiễm vội vàng tìm mua các loại thuốc được cho là phòng chống lây nhiễm tốt.

"Chúng ta cần hiểu tăng cường hệ miễn dịch có thể giúp cơ thể chống được sự xâm nhập của virus. Tuy nhiên đó là một quá trình lâu dài, và cần kết hợp nhiều yếu tố khác như ăn uống đủ chất, tập luyện đều đặn, ngủ nghỉ hợp lý. Không có loại thần dược nào lại giúp tăng được sức đề kháng chỉ trong vài ngày", BS Hoàng nói. 

Mắc Covid-19 có nên cấp tập uống thuốc bổ? - 1

Ảnh minh họa: C.V.

Thứ hai là thuốc bổ không làm thay đổi lộ trình của bệnh. Một điều cần lưu ý là vitamin C không tăng cường sức đề kháng như nhiều người vẫn lầm tưởng. Hiện tại, có một số nghiên cứu cho thấy việc sử dụng kẽm, vitamin C, vitamin D liều cao có thể giúp người bệnh Covid-19 nhanh bình phục hơn. Tuy nhiên, các bằng chứng khoa học là chưa rõ ràng, chưa có tính thuyết phục cao.

Bên cạnh đó, cái gì nhiều quá đều không tốt, dù là thuốc bổ, là vitamin. Theo bs Hoàng khá nhiều bà mẹ khi gửi hình ảnh các loại thuốc đang dùng cho con thì có tới 3-4 loại có vitamin C, hoặc 3-4 loại đều có kẽm. 

"Mỗi ngày, người bệnh chỉ cần một viên vitamin tổng hợp là đủ. Quan trọng nhất là ăn uống đủ chất, không bị mất nước, điện giải và có giấc ngủ tốt. Các thuốc tăng cường miễn dịch về cơ bản đều tốt, nhưng cũng không nên dùng quá nhiều một lúc. Tăng cường miễn dịch là câu chuyện dài hạn, bạn có thể chọn loại thuốc hay thực phẩm phù hợp, dùng với liều vừa phải và nên dùng lâu dài thì mới có hiệu quả", BS Hoàng nhấn mạnh.

Chung quan điểm, PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm Y học gia đình & Chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết việc uống các loại thuốc bổ, vitamin C, vitamin tổng hợp là giúp cơ thể đỡ mệt chứ không phải diệt virus. 

"Dù vậy, điều cần lưu ý là không phải đến lúc mắc bệnh chúng ta mới cần chú ý đến việc nâng cao sức đề kháng, bồi bổ cơ thể. Ngay từ bây giờ khi chưa mắc, chúng ta cần ăn uống đầy đủ, tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức đề kháng, chứ không phải đợi đến lúc đã mắc mới nghĩ đến chuyện ăn uống dồn dập, uống đủ loại thuốc bổ mong cơ thể nhanh chóng khỏe", TS Thanh nói. 

Theo chuyên gia, khi đã mắc Covid-19, người bệnh cần nghỉ ngơi, uống đủ nước, sát khuẩn tại chỗ. Việc này còn tốt hơn là uống các loại vitamin tổng hợp, vitamin C vì có uống vào cũng không thể có tác dụng ngay lập tức. 

Người mắc Covid-19 ngoài chăm sóc, dinh dưỡng hợp lý, cần tập luyện tăng cường chức năng hô hấp và vận động hàng ngày với tinh thần lạc quan để cải thiện sức khỏe. Tập luyện, vận động trong giai đoạn này giúp: 

- Giãn nở lồng ngực, tăng thông khí ra vào phổi, hô hấp tốt hơn.

- Tống thải đờm (đàm) với các trường hợp có tăng tiết đờm. 

- Tăng cường khả năng vận động và các cơ tham gia hô hấp. 

- Ngăn chặn suy giảm thể chất, cải thiện tinh thần. 

Một số bài tập thở, vận động gồm: các bài tập thở, vận động tại giường, bài tập giãn cơ, bài tập thể lực tăng sức bền. 

Thừa vitamin C cũng có thể dẫn tới nhiều tác hại. Nếu dùng vitamin C liều cao kéo dài, có thể gặp các tác dụng không mong muốn như rối loạn tiêu hóa, loét dạ dày - tá tràng, viêm bàng quang, tiêu chảy, tăng tạo sỏi thận, gây bệnh gút, giảm độ bền hồng cầu, cản trở hấp thụ vitamin A, B12 và có thể gây ra hiện tượng ức chế ngược nếu ngừng đột ngột. Thậm chí nếu sử dụng vitamin C khoảng 1.000mg/ngày thường xuyên có thể dẫn đến buồn nôn, tiêu chảy, tăng nguy cơ sỏi thận...

Nhu cầu về vitamin C: trẻ từ 6-11 tháng: 25-30mg/ngày, trẻ từ 1-6 tuổi: 30mg/ngày, trẻ từ 7-9: 35mg/ngày, tuổi vị thành niên 10-18 tuổi là 65mg/ngày, người trưởng thành: 70mg/ngày, phụ nữ có thai là 80mg/ngày, bà mẹ cho con bú là 95mg/ngày.