Mã hoá kháng nguyên - Đột phá mới trong nghiên cứu vắc xin ung thư

(Dân trí) - Các nhà nghiên cứu đã tìm ra cách để “thuyết phục” hệ miễn dịch cơ thể tấn công các khối u mà hầu như không gây ra tác dụng phụ nào, tờ Independent đưa tin ngày 1/6.

Các nhà khoa học đã có được bước tiến quan trọng trong việc tạo ra vắc xin phòng chống ung thư bằng cách giúp hệ miễn dịch của cơ thể tấn công các tế bào ung thư như thể chúng chính là 1 vi rút.
Các nhà khoa học đã có được bước tiến quan trọng trong việc tạo ra vắc xin phòng chống ung thư bằng cách giúp hệ miễn dịch của cơ thể tấn công các tế bào ung thư như thể chúng chính là 1 vi rút.

Đăng tải trên tạp chí Nature, một nhóm các nhà khoa học quốc tế do GS Ugur Sahin (ĐH Johannes Gutenberg, Đức) làm trưởng nhóm, đã mô tả cách họ lấy những mẩu RNA trong khối u ác tính, đưa chúng vào trong các phân tử nano chất béo và rồi tiêm hỗn hợp này vào máu của 3 bệnh nhân đang mắc bệnh.

3 bệnh nhân đã được tiêm liều thấp vắc xin này và mục đích không nhằm kiểm tra xem vắc xin này hoạt động tốt như thế nào. Hiện hệ miễn dịch trong cơ thể những bệnh nhân này đã có những phản ứng tích cực nhưng chưa có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy các khối u ác tính đã “biến mất”.

Hệ miễn dịch của những bệnh nhân này đã đáp ứng vắc xin bằng cách sản xuất ra các tế bào T có khả năng tấn công khối u.

Cụ thể, ở một bệnh nhân, một khối u nằm ở 1 hạch bạch huyết đã nhỏ đi sau khi được tiêm vắc xin. Ở bệnh nhân khác đã được phẫu thuật cắt bỏ khối u, không thấy xuất hiện tình trạng tái phát sau 7 tháng tiêm vắc xin. Còn bệnh nhân ung thư da thứ 3 có 8 khối u di căn vào phổi và những khối u này hiện vẫn “ổn định” sau tiêm vắc xin.

Theo các nhà nghiên cứu, vắc xin này cũng cho thấy hiệu quả tấn công các khối u đang phát triển mạnh ở chuột.

Việc sản xuất vắc xin này là rất nhanh chóng và không hề tốn kém bởi bất kỳ kháng nguyên ung thư (protein có khả năng tấn công hệ miễn dịch) nào cũng có thể được mã hoá bởi ARN

Vì vậy, liệu pháp miễn dịch phân tử nano ARN này có thể được coi là 1 vắc xin chống nhiều loại ung thư.

Hiện liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư nói chung đang thực sự tạo ra 1 sự phấn khích trong cộng đồng y khoa. Liệu pháp này đã sử dụng để điều trị một số loại ung thư trên 1 số bệnh nhân ung thư và tình trạng của họ trong hơn 10 năm sau điều trị đều thuyên giảm.

Trong khi đó các phương thức điều trị ung thư truyền thống đối với ung thư tinh hoàn và 1 số loại ung thư khác như ung thư phổi, ung thư hắc tố và 1 số ung thư ở cổ, não đã được chứng minh là rất khó điều trị.

Việc tiêm thẳng vào máu là một bước tiến đáng kể trong liệu pháp điều trị. Vắc xin này cũng sẽ được sản xuất tương tự như vắc xin cúm và tránh được các tác dụng phụ đáng sợ của hoá trị.

Theo GS Alan Melcher, Viện Nghiên cứu ung thư, liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư là một lĩnh vực thú vị đang phát triển rất nhanh chóng. Nghiên cứu mới này trên chuột và trên 1 vài bệnh nhân đã cho thấy miễn dịch phản ứng chống lại các kháng nguyên nhờ sự kích hoạt của vắc xin ung thư loại mới. Tuy nhiên, dù nghiên cứu này rất thú vị nhưng vẫn còn quá sớm để chứng minh hiệu quả của nó trên bệnh nhân ung thư.

Còn BS Helen Rippon, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu ung thư thế giới, đánh giá cao phản ứng miễn dịch tích cực của 3 bệnh nhân được tiêm vắc xin này, đặc biệt là ung thư da - 1 loại ung thư rất khó điều trị. Tuy nhiên, bà cũng khẳng định: “Nghiên cứu này cần được thử nghiệm lâm sàng trên nhiều người hơn, với nhiều loại ung thư khác nhau và trong 1 giai đoạn dài hơn nữa trước khi có thể nói rằng chúng ta đã phát minh ra “vắc xin phòng mọi loại ung thư. Nhưng dù sao, nghiên cứu này cũng là một bước tiến quan trọng hướng tới mục tiêu toàn cầu này”.

“Chúng ta đều biết rằng hệ miễn dịch có một tiềm năng to lớn để có thể vận hành và kích hoạt khả năng chống lại tế bào ung thư. Đó là lý do tại sao chúng tôi tài trợ cho nghiên cứu này trong 15 năm qua”, bà Rippon kết luận.

Nhân Hà

Theo independent