Lý do thầm kín khiến người đàn ông 30 tuổi sợ lấy vợ
(Dân trí) - Cách 15 phút, người đàn ông (Hà Nội) lại phải vào nhà vệ sinh một lần, điều này khiến anh cảm thấy tự ti, không dám lấy vợ cũng như không có nhu cầu sinh lý.
Bệnh nhân cho biết mình bị rối loạn tiểu tiện từ 10 năm trước. Mới đầu, cách 1-2 tiếng, anh lại phải vào nhà vệ sinh 1 lần. Sau đó số lần đi tiểu ngày càng tăng lên với mức độ dày hơn, khoảng 15 phút/lần.
Anh đã đi khám nhiều nơi nhưng tình trạng không cải thiện. Lâu dần, anh rơi vào trạng thái chán nản, cơ thể mệt mỏi, sụt cân. Thậm chí, anh phải xin nghỉ việc. Mỗi lần gia đình giục lấy vợ, anh đều tìm mọi lý do thoái thác. Nguyên nhân sâu sa anh không dám lấy vợ vì đi tiểu quá nhiều. Cũng vì chứng bệnh này mà anh không có nhu cầu sinh lý.
Ths.Bs Nguyễn Đình Liên, Trưởng khoa Ngoại thận-Tiết niệu, Bệnh viện E (Hà Nội) bệnh nhân bị rối loạn tiểu tiện hay còn gọi là "hội chứng phụ thuộc toilet", ở giai đoạn nặng. Nguyên nhân là do bàng quang người bệnh bị tăng hoạt. Bàng quang hoạt động theo cơ chế, cơ bàng quang giãn ra khi đầy nước tiểu và co thắt lại gây cảm giác muốn đi tiểu khi nước tiểu chứa đầy hơn một nửa bàng quang.
Đối với những người bình thường hầu hết bàng quang có thể giữ được nước tiểu dễ dàng cho đến khi đi vệ sinh. Tuy nhiên với người bị bàng quang tăng hoạt, cơ bàng quang dường như gửi thông điệp sai lệch đến bộ não, dẫn đến bàng quang có thể cảm thấy đầy nước tiểu hơn là thực tế. Điều này gây ra cảm giác tiểu nhiều, mắc tiểu đột ngột.
Với bệnh nhân trên, các bác sĩ đã bơm rửa, tăng dung tích bàng quang, kết hợp với thuốc hỗ trợ. Ngoài ra, bệnh nhân được hướng dẫn tập các bài cơ sàn chậu, tập nhịn tiểu, tập phản xạ co thắt.
Sau 2 tuần, từ việc đi tiểu 15 phút/lần, bệnh nhân dần tăng lên 30 phút, 45 phút, 1 tiếng, 2 tiếng. Đến nay, bệnh nhân đã gần như đi tiểu như người bình thường.
Theo Bs Liên, trong điều trị, việc tư vấn tâm lý cũng hết sức quan trọng. Bệnh nhân có biểu hiện rối loạn tâm lý do bệnh kéo dài quá lâu mà không chữa trị.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn tiểu tiện như loạn thần kinh, đái tháo đường, xơ hóa tủy, những bất thường như các khối u hoặc sỏi bàng quang. Bên cạnh đó, còn phải kể đến chế độ ăn uống mất vệ sinh, thiếu khoa học như uống nhiều đồ uống lợi niệu bia, đồ có ga, đồ ăn nhiều mỡ, đồ ăn gây dị ứng...
Phần lớn mọi người đi vệ sinh khoảng 4-7 lần trong một ngày. Tuy nhiên không phải tất cả mọi người đều giống nhau, không có một con số nào được coi là tuyệt đối. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tần suất đi vệ sinh của một người như loại đồ uống bạn sử dụng. Caffeine và rượu là chất kích thích bàng quang, vì thế chúng khiến bạn đi vệ sinh thường xuyên hơn. Độ nhạy cảm của bàng quang cũng có vai trò nhất định. Một vài người chỉ cần uống ít nước cũng đã có nhu cầu, có người lại không.
Theo BS Liên, trung bình một ngày đi tiểu quá 8 lần được gọi là nhiều. Bác sĩ khuyến cáo khi có dấu hiệu buồn tiểu nhiều lần trong ngày, nên đến các trung tâm tiết niệu, đại trực tràng - hậu môn để khám và điều trị kịp thời.